Bùng nhùng kinh doanh du lịch “núp bóng”

Bùng nhùng kinh doanh du lịch “núp bóng”

Tình trạng các hướng dẫn viên người nước ngoài hoạt động chui tại Việt Nam đang gây lộn xộn trong hoạt động du lịch và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Theo Luật Du lịch, hướng dẫn viên cho các đoàn khách quốc tế phải là người có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ...

“Để đối phó với quy định trên, có những đoàn khách quốc tế, doanh nghiệp lữ hành nước ngoài sử dụng hướng dẫn viên nước ngoài không hợp pháp tại Việt Nam và hợp thức hoá bằng cách thuê hướng dẫn viên Việt Nam đi cùng chỉ để trình thẻ khi bị kiểm tra”, ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết.

Tại TP.HCM, khi đoàn thanh tra du lịch kiểm tra một khách sạn trên đường Kỳ Đồng (quận 3) đã phát hiện đoàn khách 56 người Trung Quốc, do ông Nong Wei (quốc tịch Trung Quốc) làm hướng dẫn viên. Đây là đoàn khách của một công ty Trung Quốc ký hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Thảo Nguyên (tại phường 10, quận Gò Vấp) thực hiện tour du lịch.

Cuối năm ngoái, Công ty TNHH Du lịch - Xây dựng quốc tế Sao Bắc (quận 3) cũng bị phạt 12,5 triệu đồng và tước giấy phép lữ hành quốc tế 3 tháng với vi phạm tương tự (công ty này chỉ đặt phòng cho đối tác Hàn Quốc, còn các hoạt động khác do đối tác Hàn Quốc đảm nhiệm).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về hiện tượng trên, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thăng Long GTC cho rằng, ngoài việc các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài không đóng thuế, thì hoạt động “núp bóng” đang ảnh hưởng tới việc truyền thông về du lịch Việt Nam tới du khách quốc tế.

Chia sẻ quan điểm này, ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc Hanoi Star Tour cho biết, lượng khách Hàn Quốc vào Việt Nam rất đông, nhưng nguồn thu từ dịch vụ du lịch đối với nhóm du khách này khá khiêm tốn, vì doanh nghiệp du lịch Hàn Quốc đưa cả một ê kíp đi cùng khách du lịch để phục vụ từ thuê xe, thuê khách sạn, hướng dẫn viên... Trước thực tế đó, ông Hùng cho rằng, cần thiết phải chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch, để việc phục vụ du khách quốc tế phải do người Việt Nam thực hiện.

Trong khi đó, đứng ở góc độ nhà quản lý, ông Mai Tiến Dũng cho biết: “Kiểm tra và ngăn ngừa quyết liệt thì có thể làm được, nhưng trước mắt, phải cân đối giữa mặt tích cực và tiêu cực, cái được và cái mất của việc làm đó. Tổng cục Du lịch cũng có những kế hoạch và quan điểm linh hoạt đối với dịch vụ lữ hành quốc tế. Theo đó, có ý kiến cho rằng, hướng dẫn viên nước ngoài có thể được coi như là người chuyển ngữ, là hướng dẫn viên hỗ trợ”.

Theo quan điểm của ông Dũng, luật cũng cần điều chỉnh sao cho hợp lý và phù hợp để hướng dẫn viên nước ngoài có thể tham gia hướng dẫn du lịch tại Việt Nam. Lý do là, nếu không chấp nhận thực tế này thì có thể lượng khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam sẽ giảm nhanh chóng, do các công ty lữ hành quốc tế của Việt Nam không thể cạnh tranh về giá với các công ty du lịch Hàn Quốc. Đó là chưa kể, việc chuẩn bị hướng dẫn viên nói tiếng Hàn, cũng như tiếng Nga, tiếng Trung hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu.         

Tin bài liên quan