Bố mẹ chồng cho nhà, ly hôn con dâu có được phần?

(ĐTCK) Án lệ số 3 trong số 6 án lệ Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vừa ban hành là về trường hợp tranh chấp tài sản khi ly hôn.

Chia tay chia cả quà 

Hai vợ chồng kết hôn, bố mẹ chồng cho đất làm nhà, rồi hai vợ chồng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay ly hôn, cô vợ hoặc anh chồng liệu có được chia một nửa nhà đất?

Đây là chuyện không mới nhưng luôn là mối bận tâm của các cặp vợ chồng cũng như hai bên bố mẹ. Con cái kết hôn, bố mẹ sẵn lòng chia đất, cho nhà để vợ chồng “an cư” hòng “lạc nghiệp”. Nhưng nếu giữa đường gãy gánh, liệu các vị phụ huynh có cam lòng khi con dâu, con rể ra đi mang theo một nửa gia sản - vốn là công sức cả đời cha mẹ gom góp?

Nhiều tranh chấp, băn khoăn về pháp lý đã phát sinh khi hai vợ chồng ly hôn đã xảy ra.

Bố mẹ chồng cho nhà, ly hôn con dâu có được phần? ảnh 1

 Nếu đã là của chung, khi ly hôn, đương nhiên có quyền đòi chia đôi.

Về lý, các tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân (nếu không có thỏa thuận tài sản riêng - lập bằng văn bản) đều được coi là tài sản chung của hai vợ chồng. Nếu hai vợ chồng được bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ cho tặng nhà đất và không làm văn bản ghi nhận tài sản riêng của chồng hoặc vợ thì tài sản đó là tài sản chung. Thậm chí, ngay cả khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên ông chồng hoặc bà vợ thì vẫn là của chung.

“Nếu đã là của chung, khi ly hôn, đương nhiên có quyền đòi chia đôi. Tức là nếu bố mẹ cho đất làm nhà, đã được cấp sổ đỏ thì khi ly hôn, cơ bản mỗi người một nửa”, Luật sư Vũ Ngọc Chi cho biết.

Thế nhưng, chuyện tưởng vậy mà không phải vậy. Tranh chấp nhà đất được cho tặng trong thời kỳ hôn nhân vô cùng “đa dạng” mỗi nhà mỗi kiểu.

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay ông đã từng tham gia một vụ ly hôn có hoàn cảnh tương tự, hai vợ chồng (ở Hà Nội) được bố mẹ chồng chia đất và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến khi ly hôn thì bố mẹ chồng khẳng định là thấy con cái khó khăn thì cho đất để ở chứ không phải là cho hẳn.

Trong quá trình tranh chấp, bố mẹ chồng đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi sổ đỏ. Đến khi giải quyết ly hôn, do tài sản yêu cầu chia chác không còn nên tòa án không chia và người vợ đành chịu.

Không ít vụ việc khác, bố mẹ đã cho tặng tài sản khăng khăng, “nếu chúng nó sống với nhau thì tôi cho đất nếu ly hôn thì một xu không cho”. Việc xét xử cũng tùy nơi, tùy vụ, có trường hợp Tòa án quyết định chia tài sản, có trường hợp không.  

Cho miệng cũng là cho

Đây là tình huống pháp lý phổ biến và luôn xuất hiện trong đời sống bất kể thời kỳ nào. Chính vì vậy, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành án lệ số 03 về trường hợp tranh chấp tài sản khi ly hôn. Nguồn án lệ là Quyết định giám đốc thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 03-5-2013 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Ly hôn” tại Hà Nội.

Theo đó, hai vợ chồng anh Nam, chị Hồng được cấp sổ đỏ cho diện tích đất 80m2 từ năm 2001 và làm nhà, sinh sống. Sau này, khi ly hôn, chị Hồng yêu cầu chia tài sản nhà đất nhưng anh Nam và bố mẹ không đồng ý.

Nguồn gốc đất là của bố mẹ anh Nam được chính quyền cấp đất giãn dân từ năm năm 1992. Sau đó, bố mẹ anh Nam có xây một căn nhà cấp và cho vợ chồng anh Nam ra đó làm ăn sinh sống chứ không cho đất. Nguyện vọng của gia đình là để mảnh đất này cho em trai anh Nam vì chưa có chỗ ở và phải chăm sóc mẹ già bị liệt. Khi gia đình được cấp đất giãn dân thì anh Nam không ở địa phương (anh Nam đi bộ đội chưa về địa phương). Việc sang tên sổ đỏ là do anh Nam tự động sang tên đất, bố mẹ không biết. Khi chị Hồng xin ly hôn, gia đình mới biết anh Nam đã tự động sang tên đất.

Vì thế, anh Nam và bố mẹ đều yêu cầu trả lại đất cho bố mẹ anh Nam.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều bác bỏ yêu cầu chia đất của chị Hồng và xác định quyền sử dụng đất thuộc về bố mẹ chồng chị Hồng.

Quyết định giám đốc thẩm cho rằng việc cấp đất giãn dân là cấp đất cho hộ đông người, cấp cho cả gia đình nên anh Nam cũng là đối tượng cấp đất. Khi xã tổ chức kê khai thì các hộ dân đều biết chủ trương này. Bố mẹ anh Nam không đi kê khai mà anh Nam, người đang quản lý sử dụng đất, đi kê khai.

Sau này, vợ chồng anh Nam xây dựng nhà cửa hai lần, gia đình anh Nam đều biết nhưng không phản đối. Vì vậy, Hội đồng thẩm phán cho rằng từ khi được cấp giấy chứng nhận (2001) cho đến khi có việc ly hôn của anh Nam, chị Hồng là 8 năm, gia đình bố mẹ anh Nam không ai có khiếu nại gì về việc cấp đất, xây nhà. Điều đó thể hiện ý chí của gia đình ông Phác là đã cho anh Nam và chị Hồng diện tích đất nêu trên.

Với án lệ này, nếu bố mẹ chồng/ vợ cho vợ chồng người con nhà đất và đã được vợ chồng người con đã sử dụng lâu dài, đã được cấp sổ đỏ, đã xây dựng nhà cửa mà bố mẹ chồng/vợ không có bất cứ khiếu nại gì thì được coi là có cơ sở xác định việc bố mẹ chồng/vợ đã cho đất.

Như vậy, dù không có hợp đồng tặng cho, khi giải quyết ly hôn, Tòa án phải xác định là tài sản chung.

Tin bài liên quan