Bỏ con dấu doanh nghiệp, nên hay không?

Bỏ con dấu doanh nghiệp, nên hay không?

(ĐTCK) Với chủ đề “Con dấu của doanh nghiệp tại Việt Nam - Sự cải tổ cần thiết”, Hội thảo lần đầu tiên về vấn đề con dấu công ty tài chính do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các các công ty tài chính và các chuyên gia luật.

Hội thảo nhằm mục đích thảo luận những lợi ích và rủi ro nếu bắt buộc bãi bỏ con dấu của công ty tài chính Việt Nam…

Theo ông Jean Michel Lobet, chuyên gia tài chính đại diện nhóm Quản trị công ty của Ngân hàng Thế giới, ngày nay, con dấu công ty không nhất thiết phải duy trì để thành lập công ty và tiến hành các hoạt động kinh doanh bình thường ở 79/189 quốc gia.

Trong 6 năm qua, 17 nền kinh tế trong đó có Georgia, Slovenia, Pakistan và Rwanda đã bỏ quy định phải có con dấu để thành lập công ty và tiến hành các hoạt động kinh doanh thông thường. Nhiều quốc gia khác cũng đang cố gắng loại bỏ yêu cầu này.

“Tuy nhiên, thói quen cũ rất khó bỏ, các doanh nhân ở một số nền kinh tế, đặc biệt là khu vực châu Á vẫn thích có con dấu như một phần của quá trình thành lập công ty do con dấu được sử dụng rộng rãi trên thực tế, và Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ này”, ông Lobet cho biết.

Theo ông Lobet, trên thực tế, trong những nền kinh tế phát triển hiện nay, con dấu đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế hơn là những tác dụng tích cực.

“Con dấu công ty đã trở thành một thứ thủ tục ở nhiều quốc gia và không còn phục vụ mục đích ban đầu. Con dấu công ty không đem lại sự đảm bảo thêm nào do nó có thể bị làm giả một cách dễ dàng; đồng thời, cản trở việc chính thức thành lập công ty do chi phí và đôi khi là quá trình sản xuất kéo dài”, ông Lobet phân tích.

Tại Việt Nam, ông Lobet dẫn chứng báo cáo về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, để khởi nghiệp kinh doanh ở Việt Nam phải thực hiện 10 thủ tục, mất 34 ngày và tốn chi phí 7,7% GNI theo đầu người. Trong đó, khắc con dấu công ty mất 6 ngày với chi phí từ 165.000 - 370.000 đồng cho con dấu đồng. “Đây là một sự lãng phí và tốn kém thời gian rất nhiều cho công ty và xã hội, mà Việt Nam cần xem xét xóa bỏ dần trong nền kinh tế hiện đại”, ông Lobet khuyến nghị. 

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Jean Michel Lobet cho rằng, con dấu từng là một phần không thể tách rời của các hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty khi không có các hình thức khác được chấp nhận rộng rãi để xác giá trị thực của văn bản. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, các lập luận ủng hộ việc sử dụng con dấu công ty đã không còn phù hợp nữa.

Con dấu đã mất đi mục đích chính là chứng thực văn bản, do các mẫu văn bản của công ty được coi là hợp lệ và có thể thực thi một cách đơn giản bằng cách đính kèm chữ ký của một người đại diện theo pháp luật của công ty.

Hiện có nhiều nền kinh tế cho phép sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số, khiến cho việc sử dụng con dấu công ty ngày càng trở nên lỗi thời hơn nữa. Vì thế, để có một môi trường quản lý kinh doah tốt, cần có một quy trình thành lập đơn giản và thực tế hơn. Các công ty không nên lãng phí thời gian và tiền bạc vào những thủ tục kinh doanh lỗi thời và không cần thiết như việc làm con dấu.

Trên quan điểm trung dung hơn, mặc dù cho rằng có lẽ là quá chậm khi đến giờ này mới bàn đến vấn đề nên bỏ hay giữ con dấu, bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, để có thể xét một cách thấu đáo việc giữ lại hay bỏ con dấu trong điều kiện nền kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay, cần phải đánh giá đầy đủ các yếu tố thuận lợi và khó khăn cũng như năng lực của bộ máy hành chính, cơ sở hạ tầng của Việt Nam: liệu có đủ điều kiện đảm bảo được an toàn cho DN hay không.

“Trong nội bộ DN không có vấn đề, nhưng ngoài DN, với thời buổi kinh tế thị trường đa dạng thành phần kinh tế như hiện nay, liệu một chữ ký có thể nhận dạng được bởi tất cả các đối tượng liên quan hay không, nhất là hiện nay ta thay đổi thường xuyên bộ máy lãnh đạo của DN”, bà Dung đặt câu hỏi. Theo bà Dung, trong điều kiện hay thay đổi như vậy, để chứng minh tính pháp lý của chữ ký thì DN lại phải khổ sở chạy vạy thực hiện hàng loạt thủ tục để chứng minh chữ ký mẫu là đúng và đảm bảo giá trị về mặt pháp lý.

“Như vậy thực chất là đổi một cái khổ này sang cái khổ hơn, được vạ thì má sưng còn mệt mỏi hơn. Do đó, chúng ta rất cần thời gian để xem xét khi đưa ra vấn đề bỏ con dấu”, bà Dung bình luận.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định, việc xem xét vấn đề giữ hay bỏ con dấu DN hiện nay mới dừng ở giai đoạn khởi đầu, song đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy đã có sự tiến bộ vượt bậc về mặt tư duy cải cách tại Việt Nam.      

Tin bài liên quan