Ngân hàng cần nâng cao khâu kiểm tra, phương thức giao nhận và đánh dấu hàng hóa thế chấp trước khi giải ngân

Ngân hàng cần nâng cao khâu kiểm tra, phương thức giao nhận và đánh dấu hàng hóa thế chấp trước khi giải ngân

Bài học đắt giá về thế chấp hàng hóa tồn kho

(ĐTCK) Vụ án Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu và Sản xuất thương mại Âu Mỹ (Công ty Âu Mỹ) đã “vượt mặt” 8 ngân hàng, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng bằng hồ sơ khống là bài học cảnh tỉnh cho các ngân hàng khi nhận bảo đảm bằng hàng hóa thế chấp.

Để đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng, bị cáo Lê Thị Hồng Vân (SN 1969, ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, cựu Tổng giám đốc Công ty Âu Mỹ) đã thế chấp nhiều bất động sản đứng tên người thân, toàn bộ máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng hóa nguyên liệu, thành phẩm hình thành từ vốn vay hoặc hàng tồn kho luân chuyển (thép không gỉ).

Từ năm 2011 - 2013, một nhóm gồm 8 ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Âu Mỹ tổng số tiền gần 200 tỷ đồng. Ngân hàng cho vay nhiều nhất là 72 tỷ đồng, ít nhất là 7 tỷ đồng. Điều mà các ngân hàng không lường trước được chính là Tổng giám đốc Công ty Âu Mỹ đã gian dối lập khống hồ sơ, trộn lượng lớn hàng giả (398 cuộn inox rỗng ruột)... để thế chấp cho các khoản vay.

Đáng chú ý, lời khai tại tòa của bị cáo đã phần nào tiết lộ lỗ hổng trong biện pháp thế chấp hàng hóa. Bị cáo Lê Thị Hồng Vân khai báo, khi kiểm tra, cán bộ ngân hàng chỉ quan sát số lượng inox được đóng kiện mà không yêu cầu bóc kiện hàng để kiểm tra nên không phát hiện số inox giả đã được “phù phép” trong hàng thật.

“Do mẫu mã hàng giả còn đẹp hơn hàng thật, có ngân hàng còn trách sao không thế chấp cho họ số hàng này”, bị cáo Vân khai trước vành móng ngựa.

Bị cáo Lê Thị Hồng Vân khai nhận, trước thời điểm năm 2012, Công ty Âu Mỹ đã có mối quan hệ làm việc với các ngân hàng. Do vậy, các nhà băng giải ngân bằng uy tín dựa trên quá trình làm ăn thời gian lâu dài.

Thực tế, để quản lý tài sản đảm bảo là inox, Công ty Âu Mỹ và các ngân hàng đã ký hợp đồng với công ty dịch vụ bảo vệ, hàng hóa được để tại kho của Công ty Âu Mỹ. Việc kiểm tra hàng hóa đều được lập Biên bản bàn giao ba bên.

Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận không thông đồng với bảo vệ. Tuy nhiên, việc tráo hàng trong thời gian dài không bị phát giác do bảo vệ chỉ ngồi ở phía cổng ngoài. Bên cạnh đó, bị cáo Lê Thị Hồng Vân khai nhận, lợi dụng các ngân hàng giải ngân và kiểm tra không cùng một thời điểm, bị cáo đã cho dồn các cuộn inox thật để che mắt cán bộ ngân hàng. Sau đó, bị cáo Vân dùng chính các cuộn inox đã được kiểm tra, sử dụng các cuộn inox giả có dán tem, mác đúng chủng loại đã thế chấp.

Cơ quan điều tra xác định các cán bộ ngân hàng đã không phát hiện được thủ đoạn tinh vi này của bị cáo. Do những cán bộ này không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc thất thoát tài sản thế chấp, thất thoát vốn, cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Theo cáo buộc, Lê Thị Hồng Vân đã sử dụng hợp đồng mua bán hàng, hóa đơn, phiếu nhập kho... của các hợp đồng mua bán thật để làm hồ sơ thế chấp tài sản. Nhưng khi nhận hàng về, bị cáo Vân bán luôn hàng cho các công ty khác hoặc đưa vào sản xuất (trước khi ngân hàng giải ngân) và chỉ để lại kho của công ty lượng hàng thật là 974.251 kg inox dùng làm tài sản đảm bảo thế chấp cho cả 8 ngân hàng đã vay vốn. Ngoài ra, bị cáo còn lập khống các hồ sơ đầu vào trước khi vay vốn.

Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 200 tỷ đồng, bị cáo Lê Thị Hồng Vân vừa bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xử phạt mức án chung thân. Ba bị cáo giúp sức cho Vân gồm Lê Quốc Dương (SN 1971), Phạm Minh Thái (SN 1980) và Dương Mạnh Hà (SN 1974) lĩnh án phạt từ 10 - 30 năm tù.

Cơ quan định giá xác định số hàng 974.251 kg inox có giá trị gần 40 tỷ đồng. 8 ngân hàng đã thống nhất lấy giá thu được chia theo tỷ lệ inox theo từng hợp đồng thế chấp chia cho các ngân hàng.

Cũng tại phiên tòa, chủ tọa nhấn mạnh vụ án xảy ra do bị cáo sử dụng thủ đoạn tinh vi, phù phép hàng giả như thật, song ngân hàng cần nâng cao khâu kiểm tra, phương thức giao nhận và đánh dấu hàng hóa thế chấp trước khi giải ngân.     

Tin bài liên quan