Một trong những nguyên nhân khiến án kinh tế, tham nhũng bị kéo dài là do việc giám định tư pháp

Một trong những nguyên nhân khiến án kinh tế, tham nhũng bị kéo dài là do việc giám định tư pháp

Án kinh tế: có oan sai và bị kéo dài

(ĐTCK) Sau khi kết thúc kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thực hiện giám sát chuyên đề về oan sai và bồi thường Nhà nước. Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Quốc hội cho thấy, loại án kinh tế có xảy ra oan sai hoặc kéo dài.

Theo báo cáo này, trong 3 năm 2012 - 2014, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm có 71 trường hợp. Cơ quan điều tra đã đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; Viện kiểm sát đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp Tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Báo cáo giám sát cho thấy, thời gian tiến hành giám định thường kéo dài, chi phí giám định lớn, nhiều trường hợp phải tiến hành trưng cầu ở cấp Trung ương, gây khó khăn cho việc bảo quản vật chứng và thường cho kết quả chậm. Trong 10 vụ án kéo dài trên 5 năm đến nay chưa giải quyết xong, có nhiều vụ do nguyên nhân từ giám định. Có vụ việc lợi dụng kết quả giám định để né tránh trách nhiệm.

Trong phiên thảo luận về giám sát chuyên đề, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an TP. Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến án kinh tế, tham nhũng, chức vụ bị kéo dài là do việc giám định tư pháp. Luật Giám định tư pháp đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, nhưng thực tiễn áp dụng còn nhiều vướng mắc, bất cập. Chẳng hạn, thời gian thực hiện giám định đối với một số lĩnh vực chuyên ngành như xây dựng cơ bản, giao thông, cầu đường, tài chính, kế toán, pháp y, tâm thần… bị kéo dài. Trong điều tra, có những vụ án về kinh tế, tham nhũng kéo dài 1 - 2 năm, thậm chí 3 - 4 năm vẫn chưa thực hiện được vì phải chờ kết quả giám định.

Liên quan đến giám định, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhận xét, quy định về giám định chưa hoàn thiện, cụ thể là về quy chuẩn, thời hạn giám định, trách nhiệm của các cơ quan giám định trong các lĩnh vực pháp y, xây dựng, tài chính, ngân hàng, giao thông. Nhiều trường hợp phải giám định nhiều lần và kết quả giám định rất khác nhau. Có trường hợp phải đình chỉ vụ án vì kết luật giám định không xác định được hậu quả thiệt hại.

Một số nguyên nhân khác dẫn đến án oan sai hoặc kéo dài được báo cáo giám sát chỉ ra là năng lực hạn chế của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng; tình trạng tư lợi, chạy theo thành tích dẫn đến sai lệch trong quá trình giải quyết vụ án; bất cập của hệ thống pháp luật…

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), nhiều quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự còn hạn chế, hướng dẫn chưa cụ thể. Ví dụ, quy định tình tiết giám định, định tính về hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, căn cứ phân biệt giữa tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo với các hành vi trong giao dịch kinh tế chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

Trên thực tế, không ít vụ án sau khi khởi tố, điều tra, bắt giam đã phải đình chỉ vì hình sự hóa quan hệ dân sự như vụ bà Trần Thị Bích Liên (Lâm Đồng) đứng ra xin dự án, tổ chức xây chợ Bảo Lộc, thu tiền của tiểu thương, nhưng thực tế không có việc chiếm đoạt. Vì thế, việc khởi tố, bắt giam bà Liên về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không đúng bản chất hành vi khách quan.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đồng tình rằng, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất. Một số điều khoản quy định tội danh chưa cụ thể, ví dụ tội lạm dụng tín nhiệm với tội lừa đảo, tội cướp với tội trộm cắp tài sản… Nhiều quy định trong Bộ luật Hình sự chưa được hướng dẫn cụ thể như các tội liên quan đến tham nhũng, liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, liên quan đến động vật quý hiếm. Hay quy định trong tố tụng hình sự về các trường hợp đình chỉ điều tra vụ án khi người bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố hoặc người bị hại từ chối giám định. Điều này dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, ảnh hưởng lớn đến nguyên tắc nghiêm minh của pháp luật.

Trước tình trạng này, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất việc thực hiện một số quy định về tội lừa đảo, tội lạm dụng tín nhiệm, tội vi phạm một số quy định về quản lý đất đai, tội tham ô tài sản...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 3 năm 2012 - 2014, Bộ này đã phải chi 8,3 tỷ đồng cho việc bồi thường oan sai, nhưng chỉ có 1 trường hợp cán bộ Nhà nước bồi hoàn cho Nhà nước 169 triệu đồng.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, giai đoạn 2012 - 2014, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan tiếp nhận 107 đơn yêu cầu bồi thường, thụ lý 98 vụ, trong đó đã giải quyết xong 71 vụ việc (chiếm 72,44% tổng số vụ việc đã thụ lý), với tổng số tiền phải bồi thường là 9,228 tỷ đồng, còn 27 vụ việc đang giải quyết.

Tin bài liên quan