Ông Phan Đức Hiếu

Ông Phan Đức Hiếu

3 công cụ để cổ đông nhỏ bớt… "bé"

(ĐTCK) “Việc ban hành công cụ pháp lý bảo vệ cổ đông chưa đủ, quan trọng là cổ đông phải tích cực sử dụng các công cụ ấy để bảo vệ tốt quyền và lợi ích mà lẽ ra mình được hưởng…”, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổ phó Tổ Biên tập dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, chia sẻ với ĐTCK.

Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, theo kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua trong ít ngày tới. Một trong những nội dung mới được chờ đợi là pháp luật sẽ trao cho cổ đông nhiều quyền hơn trong bảo vệ lợi ích của họ, thưa ông?

Việc bảo vệ cổ đông (NĐT) hiện rất yếu. Bằng chứng là hàng năm, trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số về mức độ bảo vệ NĐT của Việt Nam luôn rất thấp. Năm nay, dù chỉ số này ở vị trí cao nhất kể từ khi Việt Nam được xếp hạng, nhưng cũng vẫn nằm ở vị trí 157/189 quốc gia, còn những năm khác thường đứng gần cuối bảng xếp hạng. Điều này tác động không tích cực đến môi trường kinh doanh.

Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng khi sửa Luật DN lần này là nhằm cải thiện khả năng bảo vệ NĐT, qua đó làm cho DN trở thành công cụ kinh doanh an toàn, hấp dẫn hơn, thúc đẩy người dân bỏ vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh thông qua mua cổ phần, cổ phiếu của các DN…

Tuy nhiên, bảo vệ cổ đông không phải là trao cho họ nhiều hơn quyền mà đáng ra được hưởng tương đương với số tiền họ góp vào DN, mà là bảo vệ quyền và lợi ích mà các cổ đông đáng được hưởng, không bị chiếm đoạt bởi hai đối tượng trong DN thường có xu hướng lạm dụng vị trí, quyền hạn của họ là cổ đông lớn và người quản lý DN.

Luôn có những mâu thuẫn tiềm tàng về mặt lợi ích giữa người quản lý DN và cổ đông, giữa cổ đông lớn (nhiều trường hợp cũng là người quản lý DN) và cổ đông nhỏ. Người quản lý DN có thể thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho DN, cổ đông, lại có xu hướng bớt xén phần lợi ích đó. Chẳng hạn, họ đại diện cho DN ký một hợp đồng mà lẽ ra mang lại 10 đồng lãi cho DN và cổ đông, nhưng họ chỉ mang về cho DN 7 đồng lãi, còn 3 đồng biến thành lợi ích của riêng họ.

Để đạt mục tiêu giúp cổ đông bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của họ, Luật DN sửa đổi đưa ra những công cụ nào, thưa ông?

Ban soạn thảo đề xuất 3 công cụ nhằm cải thiện cơ chế bảo vệ cổ đông. Hướng sửa đổi này nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia, DN, cũng như đại biểu Quốc hội.

Thứ nhất, Luật DN sửa đổi mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho cổ đông nói chung, cổ đông nhỏ nói riêng trong việc yêu cầu người quản lý DN phải công khai hóa thông tin về hoạt động của DN, đặc biệt là minh bạch về những lợi ích có liên quan đến người quản lý DN như: đâu là những DN khác mà họ có cổ phần, phần vốn góp; vợ, con… của người quản lý DN đang giữ các cương vị gì ở các DN có liên quan. Việc minh bạch này là để giảm thiểu nguy cơ phát sinh các giao dịch nhằm chiếm đoạt lợi ích của cổ đông

Thứ hai, Luật DN sửa đổi quy định rõ ràng, cụ thể hơn nghĩa vụ của người quản lý DN. Đó là họ phải có 3 nghĩa vụ: trung thành, trung thực và cẩn trọng. Đây là cơ sở để cổ đông đánh giá, giám sát người quản lý DN có hay không việc lạm dụng quyền hạn trong tham gia các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi.

Thứ ba, khi phát hiện người quản lý DN có các hành vi vi phạm gây thiệt hại cho DN và gián tiếp cho cổ đông, thì cơ chế mới trao cho cổ đông quyền được trực tiếp hoặc nhân danh công ty khởi kiện (cơ chế kiện phái sinh) cá nhân người quản lý DN, để đòi bồi thường những thiệt hại gây ra cho DN và cổ đông. Bước cải cách của Luật DN sửa đổi là trong trường hợp cổ đông nhân danh DN khởi kiện thắng, thì DN bồi hoàn chi phí khởi kiện cho cổ đông. Quy định này nhằm giảm thiểu tình trạng cổ đông lạm dụng quyền khởi kiện để có thể gây rối, thực hiện các hành vi phá hoại DN.

Cơ chế bảo vệ cổ đông đã có từ Luật DN năm 2000, nhưng thực tế khả năng bảo vệ cổ đông vẫn rất thấp. Điều đó cho thấy, nếu chỉ có sự cải cách của Luật DN thôi là chưa đủ, thưa ông?

Đúng vậy. Những cải cách của Luật DN chỉ cải thiện một phần khả năng bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông, phần quan trọng còn lại phụ thuộc nhiều vào mức độ cải cách của hệ thống tư pháp về tố tụng dân sự, cơ quan tòa án.

Điều đáng tiếc hiện nay là khái niệm kiện phái sinh chưa có trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, ngoại trừ được quy định tại dự thảo Luật DN sửa đổi đang chờ Quốc hội thông qua. Cơ chế kiện phái sinh rất quan trọng và nó không dễ phát huy hiệu quả theo cơ chế khởi kiện như quy định của pháp luật về dân sự, đó là ai bị thiệt hại trực tiếp, thì mới có quyền khởi kiện. Bởi lẽ hành vi vi phạm của người quản lý DN thường gây thiệt hại trực tiếp cho DN, còn chỉ gây thiệt hại gián tiếp cho cổ đông.

Sẽ là không tưởng nếu trông chờ DN đứng ra khởi kiện người quản lý DN, bởi điều này chẳng khác nào người quản lý DN tự kiện chính họ. Bởi vậy, để cơ chế kiện phái sinh phát huy tốt hiệu quả trong bảo vệ cổ đông, cần sớm sửa đổi Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng bổ sung các nội dung về trình tự, thủ tục của cơ chế khởi kiện phái sinh.

Đổi mới về cơ chế, tự thân nó không tạo ra bước cải cách trong bảo vệ cổ đông, điều rất quan trọng là cổ đông hãy tích cực sử dụng tối đa các quyền mà pháp luật trao cho, để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích mà đáng ra mình được hưởng, đây vốn là điều đang rất yếu.

Tin bài liên quan