14 năm tù cho giám đốc lừa đảo

14 năm tù cho giám đốc lừa đảo

(ĐTCK) Giả danh cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể “chạy” trường, xin việc, Mai Văn Tĩnh, Giám đốc CTCP Gỗ Pơ mu và rượu Sắn Lùng đã lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều người.

Ngày 2/5/2012, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Mai Văn Tĩnh, sinh năm 1983, quê Thái Bình, nguyên Giám đốc CTCP Gỗ Pơ mu và rượu Sắn Lùng bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm ngày 22/11/2010, TAND TP. Hà Nội đã tuyên Tĩnh 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, Tĩnh đã kháng cáo và đưa ra các chứng cứ mới.

Theo cáo trạng, CTCP Gỗ Pơ mu và rượu Sắn Lùng không có chức năng đào tạo, liên kết tuyển sinh và giới thiệu việc làm, nhưng thấy nhiều người “khát” việc làm, Tĩnh tự xưng là cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể “chạy” vào Học viện kỹ thuật quân sự, Học viện cảnh sát và xin việc. Tin vào vẻ trí thức của Tĩnh, nhiều người đã đưa tiền cho Tĩnh để nhờ y xin việc, “chạy” trường.  

14 năm tù cho giám đốc lừa đảo ảnh 1

Mai Văn Lĩnh tại Tòa

Theo cơ quan điều tra (CQĐT), Tĩnh đã thu của 6 đầu mối và 3 bị hại hơn 1,3 tỷ đồng (mới bồi thường được 590 triệu đồng) để “chạy” trường và xin việc làm. Trong đó, Tĩnh nhận của chị Vũ Thị Y. (Quảng Ninh) 500 triệu đồng tiền mặt và nhận qua tài khoản 115 triệu đồng để lo cho 8 trường hợp đi học, đi làm. Phi vụ không chót lọt, Tĩnh mới trả cho cho Y. 309 triệu đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2/5, Tĩnh cho biết đã chuyển trả thêm tiền cho chị Y. và đưa ra các chứng cứ là giấy biên nhận tiền ngày 25/3/2008; các giấy nộp tiền chuyển khoản vào các ngày 15/10/2009, ngày 8/1/2010, ngày 26/1/2010… giữa Tĩnh và chị Y.

Tuy nhiên, quá trình điều tra lại, CQĐT khẳng định, chữ ký và chữ viết trong giấy biên nhận không phải của chị Y. Các giấy nhận tiền chuyển khoản số tiền 17 triệu đồng, chị Y. và Tĩnh đều khai nhận nằm trong 309 triệu đồng mà Tĩnh đã trả cho chị Y.

Tĩnh cho rằng, Tĩnh và chị Y. là chỗ quen biết từ lâu, đã kết nghĩa chị em và khoản tiền chị Y. đưa cho Tĩnh là cho vay, không phải là việc nhờ vả “chạy” trường. Tuy nhiên, chị Y. khẳng định, giữa Tĩnh và chị Y. không có mối quan hệ họ hàng hay thân thiết khác nên không có chuyện cho vay tiền.

Một bị hại khác là anh Nguyễn Quang H. (Thái Bình), làm việc tại công ty của Tĩnh. Vì tin “sếp”, anh H đã đưa cho Tĩnh 230 triệu đồng nhờ lo cho con trai của bạn vào học tại Học viện Cảnh sát. Anh H đã chuyển cho Tĩnh 3 lần (lần thứ 3 đưa 100 triệu đồng có giấy biên nhận và bạn anh H chứng kiến).

Trả lời tại tòa, Tĩnh cho rằng, 100 triệu đồng là khoản tiền anh Hưng góp vốn vào Công ty và Tĩnh thừa nhận có ký vào giấy nhận tiền, nhưng không cầm tiền. Tuy nhiên, anh H khẳng định, khi nhận tiền, Tĩnh đã viết giấy cam kết, nếu không trúng tuyển sẽ trả lại tiền và sẽ trả tiền lãi nếu trả chậm.

Đại diện VKSND TP. Hà Nội nêu rõ, Trường Trung cấp quân y I, Học viện kỹ thuật quân sự và CTCP Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam không ký hợp đồng tuyển sinh, liên kết đào tạo hay giới thiệu việc làm với CTCP Gỗ Pơ mu và rượu Sắn Lùng mà Tĩnh làm Giám đốc, vì vậy việc Tĩnh nhận tiền để “chạy” trường và xin việc đã gian dối và có ý lừa đảo các bị hại. Vì lẽ đó, HĐXX đã giữ nguyên khung hình phạt 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Mai Văn Tĩnh.