Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Xét xử lại, nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines lĩnh án treo

(ĐTCK) Sau khi bản án sơ thẩm lần 1 bị tuyên hủy, nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines đã được chuyển tội danh và hưởng án treo.

Trong ngày 29-30/12, TAND TP.Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Công ty Vận tải Biển Đông (nay là Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines).

Năm 2014, vụ án được đưa ra xét xử nhưng tại cấp phúc thẩm, TAND Tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm.
So với bản án cũ, bị cáo Bùi Quốc Anh (57 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội, nguyên giám đốc Công ty Vận tải Biển Đông, Phó Tổng giám đốc Vinalines) được chuyển sang tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lĩnh án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. 
Các bị cáo còn lại giữ nguyên tội danh cũ và bị tuyên phạt án: Đỗ Thị Bích Thủy (Kế toán trưởng Công ty Vận tải Biển Đông) 3 năm tù cho hưởng án treo, Nguyễn Thị Lệ Thủy (thủ quỹ Công ty Vận tải Biển Đông) 2 năm tù cho hưởng án treo và Ngô Văn Nhuận (SN 1970, nguyên Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước) 3 năm tù.

Với việc giúp Công ty Biển Đông làm 4 hợp đồng khống, Nhuận hưởng lợi hơn 1 tỷ đồng. Số tiền gần 2,2 tỷ đồng được chuyển về Công ty Vận tải Biển Đông và Quốc Anh giao cho thủ quỹ Nguyễn Thị Lệ Thuỷ quản lý, sử dụng chi cho quan hệ “đối ngoại”.

Liên quan đến vụ án, bị cáo Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC) bị cáo buộc có hành vi tham ô tài sản và phải nhận 3 năm.

Theo cáo trạng, năm 2006, Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam - Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) có quyết định mua tàu chở dầu trị giá gần 35 triệu USD. Bùi Quốc Anh đã ký hợp đồng với Công ty tài chính công nghiệp tàu thuỷ - VFC do Hoàng Gia Hiệp (phó Tổng giám đốc) thuê lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án mua tàu Energy, với số tiền là hơn 1,5 tỷ đồng.

Sau khi mua được tàu, Hiệp gặp Quốc Anh đề nghị thanh toán. Quốc Anh đặt vấn đề và được Hiệp đồng ý sẽ trả lại cho Công ty Biển Đông 50% số tiền này.

Hợp pháp hoá số tiền 750 triệu đồng được chuyển lại, Quốc Anh bàn với Hiệp và Đỗ Thị Bích Thuỷ (54 tuổi, kế toán trưởng Công ty Vận tải Biển Đông) ký hợp đồng khống với đơn vị thầu phụ để tiền quay lại Công ty Vận tải Biển Đông.

Thủy thông qua Ngô Văn Nhuận (46 tuổi, nguyên phó kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước) nhờ tìm đơn vị có tư cách pháp nhân ký hợp đồng nhằm hợp thức hoá hồ sơ, chứng từ thanh toán. Qua các đầu mối, số tiền trên được hợp thức hóa. Ngô Văn Nhuận rút số tiền trên đưa cho Bích Thủy hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, Hiệp được Công ty VFC chia 350 triệu đồng (bản thân hưởng 50 triệu đồng).

Từ 2006 đến 2008, bị cáo Quốc Anh có các tờ trình, công văn đề nghị Vinashin phê duyệt chủ trương mua tàu chở dầu và tàu vận chuyển container và cho phép công ty được giao dịch, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đề nghị này được Vinashin phê duyệt.

Lần này, bị cáo Nhuận tiếp tục đứng ra giúp hoàn thiện hồ sơ khống và đề nghị được trả 40% tổng giá trị hợp đồng. Sau đó Công ty Biển Đông đã mua 4 tàu là Victory, Vạn Hưng, Melody, tàu Biên Đông stas.

Với việc giúp Công ty Biển Đông làm 4 hợp đồng khống, Nhuận hưởng lợi hơn 1 tỷ đồng. Số tiền gần 2,2 tỷ đồng được chuyển về Công ty Vận tải Biển Đông và Quốc Anh giao cho thủ quỹ Nguyễn Thị Lệ Thuỷ quản lý, sử dụng chi cho quan hệ “đối ngoại”.

Xét xử phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội đã huỷ bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại một số tình tiết, cùng với đề nghị đưa Vinashin tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bộ Công an đã có công văn gửi Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam - SBIC và được đơn vị này phúc đáp: nguồn vốn đầu tư cho các dự án là tự có và huy động từ các nguồn vay khác, không có nguồn vốn của SBIC. Công ty Biển Đông là doanh nghiệp nhà nước, hạch toán độc lập. Việc huy động vốn, sử dụng và quản lý là thuộc trách nhiệm của công ty này. Cơ quan điều tra cho rằng, Vinashin không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Toà phúc thẩm cũng đề nghị làm rõ, việc các dự án trên trong thời gian đầu tư được các đoàn kiểm tra như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập nhưng không có kết luận nào nêu việc công ty có thiệt hại.

Bộ Công an xác định, việc này là do các bị can lập khống hồ sơ để hợp thức hoá thủ tục thanh toán, che giấu thủ đoạn phạm tội. Tuy nhiên, khi Thanh tra Chính phủ thanh tra Vinashin đã phát hiện sai phạm trong việc thanh toán tiền chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, chuyển hồ sơ cho Bộ Công an điều tra.

Tin bài liên quan