Vụ siêu lừa tại ngoại: 2 bị hại 6 năm tranh nhau chiếc xe Camry

(ĐTCK) Vụ án lừa đảo xảy ra từ năm 2010, qua 6 năm, hàng chục phiên tòa, vấn đề chiếc xe Camry LE vẫn chưa được giải quyết thấu tình đạt lý.

Tranh thủ thời gian được tại ngoại do nuôi con nhỏ, Lý Thị Trúc Quỳnh đã gây thêm vụ lừa đảo khác với nhiều người bị lừa và tổng số tiền thiệt hại rất lớn, gần 40 tỷ đồng.

Vụ án nói trên xảy ra từ năm 2009 và từ năm 2011, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Theo đó, Quỳnh đã nhờ người đứng tên thành lập CTCP Thương mại và Du lịch AT69 và rao bán xe ô tô với giá hơn giá thị trường từ 8.000 - 10.000 USD. Những lần giao dịch đầu tiên Quỳnh chấp nhận lỗ, bán giá rẻ hơn thị trường để lấy lòng tin của khách hàng. Sau đó, Quỳnh mời chào khách hàng đặt hàng với số lượng lớn, thu tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.

Tổng cộng có 28 người bị Quỳnh lừa đảo với số tiền hơn 38 tỷ đồng.

Trong số các nạn nhân của Quỳnh có Công ty Lavina và ông Trần Lê Ngọc. Theo trình bày của đại diện Công ty Lavina, Quỳnh đã tìm đến Công ty Lavina để xem xe và thỏa thuận miệng với đại diện Công ty là sẽ giới thiệu khách mua xe Camry LE cho Công ty Lavina. Công ty Lavina có nhập khẩu một xe Camry LE trị giá 59.000 USD.

Sau đó, ngày 9/1/2010, Quỳnh tới Công ty Lavina hỏi ông Hoàng cho mượn xe cho khách xem, bản thân Quỳnh ngồi tại Công ty Lavina để làm tin. Đến 6 -7h tối, Quỳnh bảo do tắc đường xe không về kịp nên hẹn ông Hoàng ngày mai trả xe. Thực chất, Quỳnh đã đem chiếc xe này bán cho anh Trần Lê Ngọc (Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lấy 48.000 USD.

Do Quỳnh lừa lấy xe đem bán nên toàn bộ hồ sơ hải quan của chiếc xe vẫn do Công ty Lavina giữ. Khi bán xe, Quỳnh mới chỉ giao xe cho anh Trần Lê Ngọc, chưa giao giấy tờ xe, cũng chưa làm thủ tục đăng ký.

Trong nhiều phiên tòa, giữa Công ty Lavina và anh Trần Lê Ngọc đã có nhiều tranh cãi xem bên nào được nhận xe, bên nào phải đi đòi tiền bị án chung thân Lý Thị Trúc Quỳnh. Anh Trần Lê Ngọc thì cho rằng, giữa anh và Quỳnh có giao dịch mua xe hợp pháp, anh đã nhận xe và giao tiền, nên anh phải được nhận chiếc xe.

Phía Công ty Lavina thì cho rằng, chiếc xe là tang vật vụ án, do đó khi xử lý tang vật thì phải trả cho chủ xe là Công ty Lavina.  

Về hành vi lừa đảo của Lý Thị Trúc Quỳnh, Tòa án đã tuyên phạt Lý Thị Trúc Quỳnh mức án tù chung thân, nhưng vấn đề chiếc xe Camry thì vẫn chưa giải quyết xong.

Vào năm 2012, bản án sơ thẩm đầu tiên đã xác định chiếc xe tang vật của vụ án phải được trao trả cho Công ty Lavina và buộc Lý Thị Trúc Quỳnh bồi thường cho anh Trần Lê Ngọc số tiền tương đương với 48.000 USD.

Tuy nhiên, đến cấp phúc thẩm, Tòa án đã tuyên hủy phần giải quyết dân sự giao về cấp sơ thẩm giải quyết lại. Đến năm 2014, vụ án một lần nữa được đưa ra xét xử sơ thẩm và đến nay, đã 6 năm, qua nhiều phiên tòa, phần dân sự này vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Sau này, cơ quan tố tụng xác định giao dịch giữa Lý Thị Trúc Quỳnh và Công ty Lavina là giao dịch dân sự, nên tách phần hồ sơ này khỏi vụ án lừa đảo nói trên, dành quyền cho các đương sự khởi kiện khi thấy cần thiết.

Công ty Lavina đã khởi kiện đòi anh Trần Lê Ngọc phải trao trả chiếc xe Camry LE và sáng 4/5, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, đại diện Công ty Lavina cho rằng, Công ty đã bị Quỳnh “trộm xe”. Giữa hai bên không có giao dịch mua bán, do đó Công ty vẫn đang giữ hồ sơ hải quan của chiếc xe.

Trong khi đó, anh Trần Lê Ngọc thì cho rằng, giữa Công ty Lavina và Quỳnh có giao dịch mua bán, nên mới giao xe cho Quỳnh, từ đó Quỳnh đem xe đi bán.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội nhận định rằng, cần phải trao trả chiếc xe cho Công ty Lavina. Tuy nhiên, bản án đã tuyên anh Trần Lê Ngọc được giữ chiếc xe và Công ty Lavina phải giao hồ sơ hải quan cho anh Trần Lê Ngọc.

Ngay sau phiên tòa kết thúc, đại diện Công ty Lavina đã làm đơn kháng cáo.

Tin bài liên quan