Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agirbank Chi nhánh Nam Hà Nội

Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agirbank Chi nhánh Nam Hà Nội

Vụ đại án Agribank: Giám đốc cho vay chỉ thẩm định trên giấy

Cựu cán bộ Agribank khai, thực tế khi cho vay, không hề thẩm định dự án, chỉ làm báo cáo hợp thức hóa.

Chiều muộn ngày 21/12, phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại nghiêm trọng gần 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Agribank bắt đầu bước vào phần thẩm vấn.

Chử Thị Kim Hiền (SN 1958), nguyên Phó giám đốc Agirbank Chi nhánh Nam Hà Nội bị quy kết tham gia lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Liên doanh Lifepro không có căn cứ, không có thẩm định. Không tổ chức chặt chẽ kiểm tra việc sử dụng vốn sau cho vay nên không phát hiện được ngân hàng bị lừa đảo.

Tại cơ quan điều tra, Hiền thừa nhận đã tham gia giải ngân 50 triệu USD cho vay mua 6 thương hiệu nước ngoài không có thật. Hiền đã sang Thái Lan làm việc với đối tác nước ngoài về các khoản vay, ký báo cáo thẩm định về dự án vay vốn, ký báo cáo thẩm định, nhưng thực tế không thẩm định gì, việc ký này chỉ là để hợp thức.

Nhưng tại phiên tòa, Hiền chỉ thừa nhận có ký vào các báo cáo thẩm định, ký nháy vào báo cáo đánh giá khả thi. Đối với việc thẩm định, Hiền khai, khi Liên doanh Lifepro xin vay vốn để phục vụ Dự án Luxfashion, Chi nhánh Nam Hà Nội đã thành lập Tổ thẩm định dự án.

Hiền được phân công là Tổ trưởng Tổ thẩm định và chỉ có trách nhiệm “phân công, đôn đốc” chung đối với thành viên trong tổ thẩm định mà không tham gia thẩm định thực tế.

Quá trình thẩm định, các tổ viên có nộp báo cáo và Hiền chỉ thẩm định trên nội dung báo cáo, còn thực tế các nhân viên dưới quyền có thẩm định hay không vị Phó giám đốc này không rõ.

Một trong số các khoản vay giải ngân cho Lifepro có khoản vay 50 triệu USD để mua 6 thương hiệu. Yếu tố quan trọng khi thẩm định là làm rõ là đăng ký sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa.

Bên bán thương hiệu cho Lifepro phải là chủ các thương hiệu, thì sau khi mua bán Lifepro mới có quyền sở hữu và làm các thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Từ đó, Agribank mới có quyền xử lý tài sản bảo đảm là các thương hiệu này trong trường hợp Lifepro không trả được nợ.

Nhưng việc thẩm định, theo lời khai của Hiền, bị cáo chỉ đọc trên báo cáo của nhân viên và họ thẩm định trên cơ sở hiệu quả tăng thêm sau khi có thương hiệu gắn vào sản phẩm mà Công ty Enzo Việt (tiền thân Liên doanh Lifepro) đã làm gia công cho thương hiệu đó.

Còn Trương Thị Út, nguyên Phó phòng tín dụng khai, không tiến hành thẩm định, chỉ làm báo cáo hợp thức hóa.

Agribank còn cho Liên doanh Lifepro vay gần 55 triệu USD để mua máy móc, thiết bị và nguyên liệu, nhưng kết quả điều tra cho thấy tại Nhà máy không có máy móc, thiết bị, không chứng minh được đã có hàng hóa nhập về. Tiền chuyển ra nước ngoài đã bị chiếm đoạt.

Dù vậy, Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Chi nhánh vẫn khẳng định đã làm đúng. Khi cấp dưới trình báo cáo thẩm định, Lương đã xem xét rất kỹ. Chỉ sau này khi cơ quan hải quan vào kiểm tra, Lương mới biết cấp dưới thực chất không thẩm định.

Đối với việc mua thiết bị máy móc, Lương biện giải rằng, do giải ngân nhiều lần, thời gian cách nhau xa, nên không biết máy móc, thiết bị có nhập về hay không. Với việc nhập nguyên liệu, Phạm Thi Bích Lương khai rằng, do thanh toán bằng L/C nên khi có hợp đồng, đủ chứng từ, đã thông quan, đã tính thuế, đã đăng ký giao dịch bảo đảm thì ngân hàng giải ngân. Sau này khi hàng hóa không về mới biết bị lừa.

Trách nhiệm của giám đốc chi nhánh, theo Lương, là trách nhiệm rất lớn và Lương đã “thiếu tinh thần đôn đốc” cán bộ kiểm tra hàng hóa dẫn đến không phát hiện bị khách hàng lừa đảo tài sản.

Bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Phạm Thị Bích Lương phải chịu toàn bộ thiệt hại xảy ra tại Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam số tiền 2.004 tỷ đồng. 6 cán bộ chi nhánh Agribank Nam Hà Nội phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm, giúp sức tích cực.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 31/12/2015.

Tin bài liên quan