Một phần lớn trong số 800 tỷ đồng huy động của khách hàng tại Dự án Thanh Hà Cienco5 Land được Lê Hòa Bình rót vào Dự án Nam Đàn Plaza

Một phần lớn trong số 800 tỷ đồng huy động của khách hàng tại Dự án Thanh Hà Cienco5 Land được Lê Hòa Bình rót vào Dự án Nam Đàn Plaza

Vụ án Thanh Hà Cienco 5 Land: Có bỏ lọt tội phạm?

(ĐTCK) Sau nhiều năm truy tố, điều tra, xét xử, vụ án lừa đảo xảy ra tại Dự án Thanh Hà Cienco 5 Land đã bị hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Người bị cho là phải xem xét lại hành vi phạm tội là ông Nguyễn Ngọc Sinh (SN 1972), nguyên Tổng giám đốc CTCP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Theo tài liệu vụ án, bị cáo Lê Hòa Bình (SN 1954) là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần 1/5 đã lợi dụng một thỏa thuận góp vốn không còn hiệu lực để lừa bán cho gần 500 khách hàng quyền sử dụng đất của nhiều lô đất thuộc Dự án Thanh Hà Cienco 5 Land, thu khoảng 800 tỷ đồng và sau đó không còn khả năng trả lại tiền.

Toàn bộ số tiền thu được này, Lê Hòa Bình không sử dụng vào việc thực hiện Dự án, mà sử dụng vào các mục đích khác. Trong đó có giao dịch mua cổ phần của CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương với số tiền là 264 tỷ đồng. Giao dịch này đã dẫn đến một số lãnh đạo của PVP Land bị khởi tố.

PVP Land là cổ đông sở hữu 50,5% tổng số cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Công ty Xuyên Thái Bình Dương được cấp phép xây dựng Dự án Tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza, tại Mỹ Đình, Từ Liêm (Hà Nội). Do dự án này gặp một số khó khăn nên PVP Land có chủ trương thoái vốn. Thông qua sự môi giới của bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình tìm gặp lãnh đạo PVP Land đặt vấn đề mua lại toàn bộ cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Hai bên đã thống nhất hợp đồng đặt cọc mua lại 24 triệu cổ phần với đơn giá hơn 20.000 đồng/CP, tổng giá trị hơn 498 tỷ đồng, nếu quy đổi theo diện tích Dự án Nam Đàn Plaza thì tương đương với 52 triệu đồng/m2.

Trong số đó có hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land giá chuyển nhượng chỉ là 13.700 đồng/CP, tương đương 34 triệu đồng/m2. Hợp đồng này do ông Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng giám đốc PVP Land ký. Trên thực tế, hai bên thống nhất giá chuyển nhượng là 40 triệu đồng/m2, nhưng chỉ thể hiện trong hợp đồng là 35 triệu đồng/m2, phần còn lại lãnh đạo PVP Land chia nhau.

Số tiền chi ngoài, Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần 1/5 khai ra là 43 tỷ đồng, trong đó chi môi giới cho Huỳnh Nguyễn Quốc Duy 13 tỷ đồng. Ông Đào Duy Phong, cựu Chủ tịch HĐQT PVP Land, người đã chỉ đạo ông Nguyễn Ngọc Sinh, ký hợp đồng với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế cũng như Nghị quyết của HĐQT được hưởng 10 tỷ đồng. Đặng Sỹ Hùng, nguyên Trưởng phòng kinh tế kế hoạch PVP Land được hưởng 20 tỷ đồng.

Vì việc này, các bị cáo Đào Duy Phong, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Về ông Nguyễn Ngọc Sinh, vào cuối năm 2010, ông này từng bị cơ quan công an khởi tố để điều tra. Tuy nhiên, sau đó cơ quan tố tụng cho rằng, chưa đủ cơ sở kết luận ông Sinh thống nhất với Đào Duy Phong trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn để rút tiền chênh lệch; ông Sinh cũng không được hưởng lợi và có động cơ gì khác.

Sau khi bản án sơ thẩm bị hủy, có kết quả điều tra lại, cơ quan công tố cho rằng, tuy ông Sinh là người ký hợp đồng và bị cáo Đào Duy Phong khai có chia tiền cho ông Sinh, nhưng ông Sinh không thừa nhận. Cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất nhưng không làm rõ được, nên không đủ cơ sở kết luận ông Sinh đồng phạm. Mặc dù có lời khai của các bị cáo về Giấy ủy quyền, theo đó, ông Sinh ủy quyền cho bị cáo Đặng Sỹ Hùng thực hiện thảo luận, thống nhất ký hợp đồng đặt cọc nhưng khi xác minh thì không thấy có Giấy ủy quyền này.

Từ đó, cơ quan điều tra cho rằng, không có căn cứ truy tố ông Nguyễn Ngọc Sinh về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tin bài liên quan