Vụ án Oceanbank: Khối tài sản kê biên đáng giá bao nhiêu?

Vụ án Oceanbank: Khối tài sản kê biên đáng giá bao nhiêu?

(ĐTCK) Không nhiều vụ đại án kinh tế có số lượng tài sản bị kê biên, phong tỏa lớn như vụ án Hà Văn Thắm làm thất thoát hơn 1.576 tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank). Tuy nhiên, giá trị thực tế của khối tài sản này là bao nhiêu, có tương xứng với khoản thiệt hại?

Vụ án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) và đồng phạm đang được Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xem xét theo trình tự phúc thẩm từ ngày 18/4/2018. Ngoài hành vi phạm tội, dư luận còn đặc biệt quan tâm đến khả năng thu hồi tài sản, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ thi hành án trong các vụ đại án còn thấp.

Tại Hội nghị triển khai thi hành án dân sự năm 2018, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết, nhiều vụ đại án cần thi hành án nhưng số tiền thi hành án thấp. Đơn cử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, tòa án tuyên bị cáo sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định, chỉ thu về cho Nhà nước 500 tỷ đồng.

Cá biệt, gần đây nhất là vụ án Đinh La Thăng cố ý làm trái quy định nhà nước khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thất thoát 800 tỷ đồng, song cơ quan điều tra chưa đề cập đến phần kê biên tài sản. Liên quan đến câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự từng lo ngại, đối với những vụ án tương tự, nếu cơ quan chức năng không áp dụng biện pháp tạm thời như kê biên hay phong tỏa hoặc ngăn chặn tài khoản, tài sản của người có án sơ thẩm, thì sẽ gây khó khăn trong việc thu hồi tài sản, đặc biệt với các vụ án kinh tế, tham nhũng.

So với các vụ đại án kinh tế, trong vụ án Hà Văn Thắm, cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa khối tài sản là cổ phần, cổ phiếu, bất động sản của các bị cáo giữ vai trò chính để tạo điều kiện thi hành án sau này. Song nếu tính theo thị giá hiện nay, một số loại cổ phiếu thuộc diện bị kiểm soát giao dịch, có giá trị rất thấp.

Minh chứng là cơ quan điều tra phong tỏa cổ phiếu của Hà Văn Thắm gồm hơn 88 triệu cổ phiếu OGC (của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương); 1.084 cổ phiếu RIC (Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia) và 888 cổ phiếu STB (Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín). Trong 88 triệu cổ phiếu OGC, có 3,3 triệu cổ phiếu do Hà Văn Thắm trực tiếp đứng tên và 84,7 triệu cổ phiếu đứng tên Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (do Hà Văn Thắm là chủ doanh nghiệp).

Cập nhật trong ngày 18/4/2018, giá cổ phiếu RIC hiện đang bị kiểm soát, giao dịch mức 5.710 đồng/cổ phiếu (tương đương 6,1 triệu đồng); giá cổ phiếu OGC là 2.300 đồng/cổ phiếu (tương đương 202,4 triệu đồng); giá cổ phiếu STB là 15.500 đồng/cổ phiếu (tương đương 13,7 triệu đồng). Tổng giá trị cổ phiếu bị phong tỏa có giá trị khoảng 221 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu bị phong tỏa 36.000 cổ phiếu OGC; 80.324 cổ phiếu PVS (Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam); 11.000 cổ phiếu DPM (Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí). Hiện số cổ phiếu này có giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Cụ thể, cổ phiếu OGC khoảng 82,8 triệu đồng; PVS (giá 21.800 đồng/cổ phiếu) tương đương 1,7 tỷ đồng; DPM (giá 20.150 đồng/cổ phiếu) tương đương 221,6 triệu đồng.

Trong số tài sản là cổ phiếu của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị cơ quan điều tra kê biên, có nhiều cổ phần, cổ phiếu bị cáo Sơn nhờ cháu ruột là Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Phó giám đốc Khối Khách hàng lớn và đối tác chiến lược Oceanbank) đứng tên, bao gồm: 35.927 cổ phiếu DCM (Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau); 354.900 cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt (LPB); 600.000 cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại và công nghệ dầu khí Việt Phát.

Theo tính toán, số lượng cổ phiếu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn có giá trị khoảng hơn 6,2 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu DCM (giá 12.500 đồng/cổ phiếu) tương đương 449 triệu đồng; LPB (giá 16.400 đồng/cổ phiếu) tương đương 5,8 tỷ đồng. Riêng Công ty cổ phần Thương mại và công nghệ dầu khí Việt Phát đang chờ lên sàn nên chưa có số liệu cụ thể.

Tuy nhiên, ngoài số cổ phiếu trên, cơ quan điều tra kê biên 3 nhà đất của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, bao gồm một căn hộ tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) và nhà ở tại phường Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội) do vợ chồng Nguyễn Xuân Sơn đứng tên; một căn hộ tại Khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy) do Nguyễn Xuân Sơn thanh toán tiền nhưng nhờ Nguyễn Xuân Thắng đứng tên trên hợp đồng mua bán. Việc xử lý các tài sản này còn liên quan đến người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.

Hiện phiên tòa phúc thẩm đang xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo. Khi nào có phán quyết cuối cùng của hội đồng xét xử phúc thẩm thì các phần nội dung mới có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nếu so với con số các bị cáo có trách nhiệm bồi thường theo bản án sơ thẩm năm 2017 (Hà Văn Thắm hơn 847 tỷ đồng, Nguyễn Xuân Sơn 200 tỷ đồng, Nguyễn Minh Thu 50 tỷ đồng) thì số tài sản tuy nhiều song giá trị rất thấp, chưa tương xứng với thiệt hại xảy ra.

Tin bài liên quan