Vụ án Oceanbank: 1.500 tỷ đồng có phải là thiệt hại?

Vụ án Oceanbank: 1.500 tỷ đồng có phải là thiệt hại?

(ĐTCK) Sáng nay (8/3), các luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục thẩm vấn. Các luật sư đã hỏi đại diện Hội đồng giám định tư pháp của Ngân hàng Nhà nước xung quanh số tiền hơn 1.500 tỷ đồng liệu có phải là thiệt hại?

Kết luận giám định không nêu thiệt hại?

Tại phiên tòa sáng nay, đại diện Hội đồng giám định tư pháp của Ngân hàng Nhà nước cho biết, toàn văn kết luận đã có trong hồ sơ vụ án, cáo trạng cũng đã nêu.

Theo đó, Hội đồng giám định kết luận từ năm 2011 đến năm 2014, tại Oceanbank có những vi phạm về chế độ kế toán, thống kê và quy định về trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước.

Oceanbank đã hạch toán ghi nợ tài khoản chi trả lãi tiền gửi, không có chứng từ chứng minh các khoản chi hợp lệ theo quy định số tiền hơn 988 tỷ đồng và hơn 331 tỷ đồng tạm ứng từ hoạt động nghiệp vụ đến nay chưa hoàn ứng. Oceanbank đã trích lập dự phòng 100% khoản tạm ứng này. Tổng cộng là hơn 1.319 tỷ đồng.

Luật sư đặt vấn đề, trong kết luận của đoàn giám định không có chữ nào nói đây là khoản thiệt hại cả, trong khi yêu cầu giám định là xác định có thiệt hại hay không và thiệt hại bao nhiêu.

Đại diện Hội đồng giám định khẳng định, Kết luận giám định đã căn cứ trên toàn bộ hồ sơ, tài liệu, chứng từ và các quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước về huy động lãi suất trong một thời kỳ cũng như các quy định khác... Căn cứ trên tất cả hồ sơ đoàn Hội đồng nhận được, đủ căn cứ pháp lý để đánh giá và kết luận. Trên cơ sở hồ sơ Hội đồng giám định đánh giá như vậy.

Luật sư cũng hỏi đại diện Hội đồng giám định về tài liệu để làm cơ sở giám định, vì sao không có tài liệu về toàn bộ kết quả kinh doanh của Oceanbank.

Về vấn đề này, đại diện Hội đồng giám định cho biết nhiều lần yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp như bảng kê chi hỗ trợ kinh doanh cho chi nhánh, bảng kê chi tiết... Về tài liệu kết quả kinh doanh, nằm ngoài yêu cầu giám định, nên không đưa vào trong kết luận.

Sau câu trả lời này, luật sư đặt vấn đề, Luật Giám định tư pháp quy định, cơ quan giám định có quyền yêu cầu cung cấp hoặc từ chối giám định khi tài liệu không đầy đủ. Nếu cơ quan chuyên môn thấy thiếu tài liệu để xác định thiệt hại có thể yêu cầu thêm hoặc từ chối. Tại sao không làm như vậy?

Về việc này, đại diện Hội đồng giám định cho biết: “Yêu cầu trưng cầu giám định thế nào thì chúng tôi căn cứ theo đó và căn cứ vào các quy định của chúng tôi, thì chúng tôi thực hiện giám định. Câu hỏi này không nằm trong nội dung giám định chúng tôi không trả lời”.

Chi lãi ngoài để cứu ngân hàng?

Trong sáng nay, một số bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh trình bày về hoạt động chi chăm sóc khách hàng, cũng như kết quả hoạt động kinh doanh. Mặc dù chi lãi ngoài, nhưng kết quả kinh doanh của ngân hàng vẫn có lãi, các chi nhánh cũng có lãi, chia cổ tức cho cổ đông...

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Kế toán trưởng Oceanbank trình bày, giai đoạn đó, nếu không được chi (lãi ngoài - PV) thì vỡ ngân hàng. Khi đó không chỉ là 2.000 nhân viên, mà ảnh hưởng tình hình an ninh hệ thống,... Ý thức của bị cáo cũng như nhiều bị cáo khác là cán bộ ngân hàng đều là giúp cho hệ thống ngân hàng vì đổ vỡ thì ảnh hưởng cả hệ thống.

“Mong Hội đồng xét xử và cơ quan chức năng có đánh giá khách quan”, bị cáo Nga trình bày.

Bị cáo Nguyễn Minh Đạo, nguyên Giám đốc Oceanbank - chi nhánh Hà Nội bị quy kết trách nhiệm về 42 tỷ đồng chi lãi ngoài khai tại tòa rằng, bị cáo không nhận được chỉ đạo nào về chủ trương chi lãi ngoài, không phổ biến cho nhân viên cấp dưới, cán bộ chi nhánh chủ động thực hiện theo hướng dẫn của các khối ngành dọc trên trụ sở.

Giai đoạn đó, Chi nhánh hoạt động kinh doanh có lãi. Nếu Chi nhánh không chăm sóc khách hàng, giai đoạn đó, khách hàng rút tiền gửi và Chi nhánh không thể tồn tại, chưa nói đến có lãi.

Tin bài liên quan