Tòa án bác yêu cầu phát mại 1 trong 2 bất động sản thế chấp của VRB

Tòa án bác yêu cầu phát mại 1 trong 2 bất động sản thế chấp của VRB

Vay tiền ngân hàng qua “cò”: Vay ít, nợ nhiều

(ĐTCK) Sáng 19/3, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Liên doanh Việt Nga (VRB) và CTCP Du lịch châu Á.

Theo đó, tháng 11/2009, VRB cho Công ty Du lịch châu Á vay 1,5 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng để bổ sung vốn lưu động, với lãi suất đầu kỳ 10,5%/năm, lãi suất cuối kỳ thả nổi. Tài sản bảo đảm gồm nhà đất 236 m2 ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội của ông Vương Đình Thụy và nhà đất 104 m2 ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) của bà Nguyễn Thị Hoà. VRB đã giải ngân 1,5 tỷ đồng cho Công ty Du lịch châu Á.

Quá trình vay nợ, Công ty Du lịch châu Á trả được 810 triệu đồng, sau đó không trả tiếp. Theo VRB, hiện Công ty Du lịch châu Á còn nợ 690 triệu đồng nợ gốc và nợ lãi 260 triệu đồng.

Không đòi được nợ, VRB đã khởi kiện, đề nghị Tòa án buộc Công ty Du lịch châu Á trả nợ, trường hợp Công ty không trả được nợ, Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản bảo đảm.

Phiên tòa chỉ có mặt nguyên đơn và 2 người đã thế chấp nhà đất cho Công ty Du lịch châu Á vay tiền VRB. Được biết, trước khi phiên tòa diễn ra, Công ty Du lịch châu Á đã có đơn xin vắng mặt.

Theo trình bày của bà Hòa và người đại diện của ông Thụy thì khi đó, họ cần tiền, nhưng không thể trực tiếp vay Ngân hàng nên cho mượn sổ đỏ để người khác làm thủ tục vay. Thậm chí, bà Hòa còn không hề biết đến Công ty Du lịch châu Á, chỉ biết một người tên là Quyên bảo muốn vay tiền thì phải đưa giấy tờ nhà đất và phải ký hợp đồng thế chấp. Do đó, bà đã ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng và được Quyên cho vay 100 triệu đồng. Sau này, khi Ngân hàng đòi nợ, bà mới biết nhà đất đã bị thế chấp để Công ty Du lịch châu Á vay nợ với số tiền lớn hơn nhiều.

Phía ông Thụy và bà Hòa đều thừa nhận có ký kết hợp đồng thế chấp nhà, có công chứng chứng thực. Họ đề nghị Ngân hàng có biện pháp làm việc với Công ty Du lịch châu Á để giải quyết nợ nần, bởi họ không có khả năng trả nợ thay cho Công ty.

Theo trình bày của bà Hòa, nhà đất thế chấp là do bố mẹ chồng mua cho hai vợ chồng bà vào năm 1990, đến năm 2000 thì chồng bà mất. Năm 2008, nhà đất này được cấp sổ đỏ và chỉ ghi tên bà, trong khi hai vợ chồng bà có 3 người con và đều sinh sống tại đó.

Về nguồn gốc của nhà đất này, Tòa án đã có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xác minh, nhưng không được trả lời. Bản thân bà Hòa đã nhiều lần lên UBND thị trấn Xuân Mai xin trích lục hồ sơ địa chính, nhưng đều được trả lời là không tìm được hồ sơ lưu.

Theo đại diện phía Ngân hàng, khi thẩm định tài sản, họ có đến làm việc với chính quyền địa phương thì được trả lời “miệng” rằng, chồng bà Hòa đã mất từ lâu, tài sản đứng tên bà Hòa. Do đó, Ngân hàng không xác minh thêm về nguồn gốc tài sản.

Tại phiên tòa sơ thẩm, phía Ngân hàng đề nghị, nếu ông Thụy, bà Hòa trả nợ ngay thì Ngân hàng sẽ miễn giảm các loại lãi suất, chỉ thu hồi nợ gốc. Tuy nhiên, theo trình bày của ông Thụy, bà Hòa thì họ không có khả năng trả nợ.

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như đã được thẩm định tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cho rằng, Công ty Du lịch châu Á có nghĩa vụ phải trả nợ cho VRB. Do đó, Tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của VRB, buộc Công ty Du lịch châu Á có nghĩa vụ trả cho VRB số tiền 950 triệu đồng.

Hội đồng xét xử cũng chấp nhận yêu cầu phát mại tài sản thế chấp là nhà đất của ông Thụy. Trường hợp Công ty Du lịch châu Á không trả nợ thì Ngân hàng được quyền đề nghị cơ quan thi hành án phát mại tài sản.

Yêu cầu phát mại nhà đất của bà Hòa bị bác vì tài sản này không phải tài sản của riêng bà Hòa, mà là tài sản chung của hai vợ chồng bà Hòa, nay chồng bà Hòa đã mất thì các con có quyền thừa kế. Việc chỉ mình bà Hòa đứng tên ký hợp đồng thế chấp là không đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, vi phạm quyền lợi của các con bà Hòa.           

Tin bài liên quan