Hai bên đương sự không thống nhất được với nhau về việc giám định độ ẩm của hàng hóa - giấy phế liệu

Hai bên đương sự không thống nhất được với nhau về việc giám định độ ẩm của hàng hóa - giấy phế liệu

Tranh chấp từ việc nhập giấy phế liệu

(ĐTCK) TAND TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa CTCP Sản xuất thương mại P.P và Công ty TNHH Balance Industry (Hàn Quốc).

Năm 2012, nguyên đơn - Công ty P.P đã ký hợp đồng nhập khẩu giấy phế liệu với Công ty Balance Industry, số lượng 1.000 tấn, đơn giá 235 USD/tấn, tổng giá trị hợp đồng là 235.000 USD, giá CIF tại Hải Phòng, đã bao gồm các chi phí bảo hiểm, vận chuyển tới cảng Hải Phòng. Về phẩm chất hàng hóa, hai bên thỏa thuận, giấy phế liệu phải đảm bảo độ ẩm không quá 12% và một số điều kiện khác về hợp chất.

Sau khi ký hợp đồng, Công ty Balance Industry bắt đầu chuẩn bị hàng hóa xuất tới cảng Hải Phòng và đến khoảng cuối tháng 7/2012, toàn bộ 44 container chứa 1.000 tấn giấy được chia làm 2 lô hàng đã tới cảng Hải Phòng, được thông quan và đưa dần về kho bãi của CTCP Giấy Bãi Bằng. Sở dĩ hàng được đưa về CTCP Giấy Bãi Bằng là vì lô hàng này Công ty P.P nhập về để bán lại cho Công ty Giấy Bãi Bằng.

Ngày 24/7/2012, 6 container đầu tiên trong số 20 container của lô hàng thứ nhất được đưa về kho của CTCP Giấy Bãi Bằng tại Phú Thọ. Đại diện Công ty P.P và Công ty Giấy Bãi Bằng cùng mở cửa container đầu tiên và nghi ngờ độ ẩm không đạt yêu cầu, có thể vượt quá 12%. Do đó, Công ty P.P không xuống hàng mà liên lạc với bà Hằng, người đại diện Công ty Balance Industry đứng ra giao dịch với Công ty P.P đề nghị mời CTCP Tập đoàn VinaControl lên Phú Thọ để giám định chất lượng hàng hóa.

Do bà Hằng không kịp bay ra Hà Nội nên đã chấp thuận đề nghị của Công ty P.P và yêu cầu tiếp tục xuống hàng (6 container đầu tiên) để giảm chi phí lưu thông kho bãi và tiếp tục đưa các container còn lại về kho nhưng phải tiến hành dưới sự giám sát của VinaControl. Từ ngày 25/7/2012, đơn vị giám định VinaControl đã lên kho của CTCP Giấy Bãi Bằng để giám sát việc dỡ hàng.

Tổng cộng, trong số 20 container của lô hàng thứ nhất, có 15 container không đạt tiêu chuẩn về độ ẩm, còn lô hàng thứ hai có 13 container. Sau khi có kết quả giám định của VinaControl, Công ty P.P gửi công văn khiếu nại tới Công ty Balance Industry nhưng hai bên không giải quyết được với nhau, do đó, Công ty P.P đã đệ đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty Balance Industry bồi thường hơn 32.400 USD. Số tiền này bao gồm giá trị của trọng lượng hàng hóa bị thiếu hụt sau khi quy về độ ẩm 12% và chi phí giám định. Theo đó, lô hàng thứ nhất thiếu hụt hơn 68 tấn, lô hàng thứ hai thiếu hụt hơn 61 tấn.

Được biết, toàn bộ giá trị hợp đồng 235.000 USD trước khi khởi kiện, Công ty P.P đã thanh toán hết theo L/C.

Tại phiên tòa, đại diện bị đơn cho rằng, ngoài 2 thỏa thuận quan trọng trong hợp đồng về giá cả, số lượng hàng hóa và phẩm chất quy cách hàng hóa, hai bên còn đồng ý một điều kiện quan trọng về giám định. Theo đó, hai bên thỏa thuận về việc mời đơn vị giám định chuyên nghiệp trong trường hợp hàng hóa có vấn đề. Mặc dù hai bên không chỉ định rõ đơn vị giám định nhưng có thỏa thuận với nhau về điểm đến nơi giám định là cảng đến, tức cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng hóa đã được đưa về kho của CTCP Giấy Bãi Bằng tại Phú Thọ, địa điểm giám định, cách cảng Hải Phòng khoảng 100 km. Cho rằng nơi giám định hàng hóa của VinaControl không phù hợp với thỏa thuận của hợp đồng, Công ty Balance Industry không chấp nhận kết quả giám định này.

Ngoài ra, Công ty Balance Industry còn cho rằng, chứng thư giám định nêu sử dụng tiêu chuẩn TC4407 2011 không nằm trong tiêu chuẩn nào của Việt Nam, chủ thể giám định là không có năng lực được công nhận trong lĩnh vực giám định giấy phế liệu, Chứng thư không giá trị pháp lý...

Công ty Balance Industry khẳng định, với uy tín của doanh nghiệp chuyên kinh doanh giấy lớn hàng đầu Hàn Quốc, Công ty có quy trình kiểm tra, kiểm định chất lượng hàng hóa nghiêm ngặt trước khi xuất hàng. Balance Industry đưa ra yêu cầu duy nhất, nếu Công ty P.P không chấp nhận chất lượng hàng hòa thì trả lại hàng. Dù vậy, nhưng Công ty P.P không trả lại hàng và đối tượng được giám định là toàn bộ lô hàng thì không còn tồn tại vì thực tế, hàng đã được giao cho Công ty Giấy Bãi Bằng.

Theo Công ty Balance Industry, đơn vị giám định đã áp dụng tiêu chuẩn đối với hàng hóa là bột giấy làm từ giấy phế liệu, trong khi hàng hóa cần giám định ở đây là giấy phế liệu.

Trước những tranh luận của các bên xung quanh vấn đề giám định, Hội đồng xét xử đã quyết định tạm hoãn phiên tòa để hai bên đương sự củng cố và cung cấp thêm các chứng cứ.          

Tin bài liên quan