Tranh chấp góp vốn khai thác mỏ tại Lào, đại gia xứ Nghệ đưa nhau ra tòa

(ĐTCK) Bà Chu Thị Thành đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết trả lại quyền sở hữu góp vốn tại công ty khai thác khoáng sản tại Lào.

Theo cáo trạng, bà Chu Thị Thành đã góp vốn với tỷ lệ 10% trong doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Lào cùng với một số đối tác khác. Sau đó, số vốn góp này đã bị đối tác chiếm đoạt, bà Thành không có tên trong danh sách cổ đông của công ty.

Theo đó, trong các ngày 17 - 20/5, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án liên quan đến việc đầu tư khai thác mỏ tại Lào.

Hai bị cáo gồm Thái Lương Trí (SN 1940, trú tại TP. Vinh, Nghệ An), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An và Dương Minh Hải (SN 1958, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Phó giám đốc Công ty Liên doanh khoáng sản Lào - Việt.

Công ty Thái Dương Nghệ An có hợp đồng hợp tác với Công ty Khai thác khoáng sản Thảo Oong Khăm (Lào) do ông Oong Khăm Sivilay làm Giám đốc để cùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng tại mỏ Huổi Chừn, huyện Xăm Tạy, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Trên cơ sở hợp tác này, bị cáo Thái Lương Trí đã mời gọi một số đối tác trong nước cùng đầu tư vào dự án có số vốn 1,5 triệu USD này. Hai công ty gồm CTCP Dịch vụ dạy nghề Thái Dương (ông Đoàn Văn Huấn làm Giám đốc) và Công ty TNHH Thiên Phú (bà Chu Thị Thành làm Giám đốc) đồng ý tham gia dự án này.

Quá trình hợp tác đầu tư, bị cáo Thái Lương Trí và Dương Minh Hải đã có hành vi bị truy tố theo hai tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cụ thể, năm 2008, cơ quan chức của Lào cấp Giấy phép đầu tư cho phép thành lập Công ty cổ phần Khoáng sản Lào - Việt với các cổ đông gồm ông Oong Khăm Sivilay (35%), ông Thái Lương Trí (37%), ông Đoàn Văn Huấn (18%), bà Chu Thị Thành (10%). Trong đó, bị cáo Thái Lương Trí là Chủ tịch HĐQT, ông Đoàn Văn Huấn là Tổng giám đốc, ông Oong Khăm Sivilay và bà Chu Thị Thành là Phó tổng giám đốc.

Nhưng sau đó, bị cáo Thái Lương Trí có hành vi sử dụng con dấu giả đóng vào các công văn của Công ty Khoáng sản Lào - Việt.

Tháng 8/2008, Công ty Khoáng sản Lào - Việt bị rút giấy phép đăng ký doanh nghiệp, đồng thời bị rút phép khắc dấu. Tuy nhiên, bị cáo Thái Lương Trí đã sử dụng con dấu giả đóng vào các công văn của Công ty Khoáng sản Lào – Việt.

Bị cáo Thái Lương Trí còn chỉ đạo bị cáo Dương Minh Hải làm thủ tục để  thành lập Công ty Liên doanh Khoáng sản Lào – Việt (pháp nhân tại Lào), trong đó nhà đầu tư nước ngoài chỉ có duy nhất bị cáo Thái Lương Trí, góp 65%, hoàn toàn không ghi nhận tỷ lệ vốn góp của bà Thành, ông Huấn.

Để hoàn toàn loại bỏ tư cách cổ đông, quyền sở hữu cổ phần của ông Đoàn Văn Huấn, bà Chu Thị Thành, hai bị cáo đã soạn thảo Điều lệ Công ty, xin Giấy đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép khắc dấu cho Công ty Liên doanh khoáng sản Lào – Việt.

Giám định của cơ quan chức năng cho rằng, ông Huấn và bà Thành là hai cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Khoáng sản Lào - Việt chiếm tỷ lệ lần lượt là 18% và 10%. Đến thời điểm Công ty Liên doanh khoáng sản Lào - Việt được cấp phép thành lập, thì ông Huấn và bà Thành không còn là cổ đông và mất quyền sở hữu đối với tỷ lệ cổ phần theo Giấy phép thành lập Công ty cổ phần Khoáng sản Lào - Việt.

Tại phiên tòa, Công ty TNHH Thiên Phú của bà Chu Thị Thành yêu cầu Tòa án xem xét trả lại quyền sở hữu đối với tỷ lệ vốn góp 10% để tiếp tục đầu tư vào Dự án nói trên tại Lào.

Được biết, vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu từ năm 2011. Năm 2013, khi đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại từ đầu.

Tháng 2/2015, Viện KSND Tối cao đã ban hành bản cáo trạng số 04 và phiên tòa sơ thẩm lần 2 đã đã diễn ra trong các ngày 17 - 20/5/2016.

Tin bài liên quan