Bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa

Bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa

Tranh cãi 1.576 tỷ đồng thiệt hại ở Oceanbank

(ĐTCK) Phiên tòa xét xử vụ án kinh tế Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) và đồng phạm đã kết thúc với phần xét hỏi rất căng thẳng. Hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề giám định con số 1.576 tỷ đồng thiệt hại được gửi tới Tổ giám định - Ngân hàng Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm nêu băn khoăn, liệu số tiền 1.576 tỷ đồng chi lãi ngoài có trái quy định pháp luật? Nếu có thiệt hại thì gây thiệt hại cho Oceanbank là bao nhiêu?

Bóc tách số liệu 1.576 tỷ đồng, theo kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước, riêng với khoản 1.022 tỷ đồng, có 598,6 tỷ đồng được sử dụng để chi lãi ngoài, chuyển cho đầu mối là Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Phó giám đốc Khối Khách hàng lớn và đối tác chiến lược Oceanbank) và Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank). Số tiền 424,2 tỷ đồng còn lại do một số cá nhân sử dụng và không xác định được mục đích sử dụng. Trong đó, bị cáo Hà Văn Thắm nhận và sử dụng cá nhân 271,4 tỷ đồng.

Cũng theo kết luận, Oceanbank đã chi lãi ngoài số tiền 66,4 tỷ đồng, được chuyển thẳng cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại các chi nhánh. Trong đó, có 66,3 tỷ đồng là chi vượt trần lãi suất, còn lại 19,3 triệu đồng chưa vượt trần, nhưng không có hóa đơn.

Số liệu điều tra cũng thể hiện, khoản chi 475,6 tỷ đồng chuyển cho các chi nhánh, phòng giao dịch và khối khách hàng doanh nghiệp để chi lãi ngoài huy động vốn. Trong đó, có 41,5 tỷ đồng chưa vượt trần.

Các khoản chi chưa vượt trần được xác định là không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, nhưng vẫn hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh của Oceanbank. Theo cơ quan điều tra, như vậy là trái với quy định tại Nghị định số 146/2005/NĐ-CP, Thông tư số 12/2006/TT-BTC, Nghị định số 57/2013-TT-BTC về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng.

Đại diện Oceanbank xác định, khoản tiền 1.576 tỷ đồng được chi ra từ 3 tài khoản của Ngân hàng là TK3612 (nguồn tạm ứng thực hiện nghiệp vụ), TK81 (chi thẳng, hạch toán vào tài khoản chi trả lãi tiền gửi) và Vũ Thị Thùy Dương (Giám đốc Khối Kế toán Oceanbank). Theo kết quả giám định, khoản tiền này không có khả năng thu hồi nên được coi là thiệt hại của vụ án.

Bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng, Giám đốc Khối Tài chính kế hoạch Oceanbank) tỏ ra rất bức xúc trước việc Oceanbank xác định 1.576 tỷ đồng là số tiền thiệt hại.

“Bị cáo cho rằng, tất cả đã được thể hiện rõ. Khoản chi phí 1.576 tỷ đồng mà xét là thiệt hại là không thể chấp nhận. Oceanbank là đơn vị kinh doanh, nếu xét khoản chi này là thiệt hại thì đại diện Ngân hàng nên về xem xét lại toàn bộ lợi nhuận ngân hàng là từ đâu? Tại sao đưa ra kết luận thiệt hại mà chỉ xem xét đến chi phí? Bị cáo không thấy thỏa đáng và không đồng ý. Oceanbank cần xem xét lại cho các bị cáo về các nguồn thu, trong đó có cả công sức của các bị cáo ngồi đây liệu có thỏa đáng không”, bị cáo Nga gay gắt.

Lời khai tại tòa của một số bị cáo khác cũng cho rằng, số tiền trên là chi phí huy động vốn trong bối cảnh Oceanbank gặp khó khăn về thanh khoản. Tuy nhiên, đại diện Tổ giám định khẳng định, các kết luận thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

Đặc biệt, một số luật sư đã dẫn chứng những vụ xử phạt các ngân hàng vi phạm trần lãi suất trong thời gian 2011-2012 để đặt vấn đề ranh giới trách nhiệm hình sự và xử phạt hành chính.

Mặc dù con số 1.576 tỷ đồng còn đang gây tranh cãi, nhưng việc chi lãi ngoài, chăm sóc khách hàng, hay chi phí huy động vốn là những cách hiểu “đánh tráo” khái niệm đối với hành vi vượt trần lãi suất.

Cần lưu ý rằng, ngân hàng là ngành rất đặc thù, chỉ được phép làm những việc mà pháp luật cho phép. Không phủ nhận rằng, các ngân hàng đã “chạy đua” lãi suất trong giai đoạn căng thẳng thanh khoản 2010-2012, song việc chi lãi ngoài của Oceanbank đã diễn ra trong thời gian dài và liên tục, dẫn đến hậu quả là nợ xấu của ngân hàng này tăng cao, âm vốn chủ sở hữu một cách trầm trọng.

Tin bài liên quan