Hợp đồng cho thuê đã được ký, nhưng là hợp đồng trống, không nêu rõ tài sản cho thuê, giá trị bao nhiêu

Hợp đồng cho thuê đã được ký, nhưng là hợp đồng trống, không nêu rõ tài sản cho thuê, giá trị bao nhiêu

Sai phạm trong cho thuê tài chính, cán bộ ngân hàng vướng vòng lao lý

(ĐTCK) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất truy tố đối với bị can Bùi Văn Khen (sinh năm 1958, nguyên Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính BIDV) và Nguyễn Việt Hưng (sinh năm 1968, nguyên Trưởng phòng Khách hàng cá nhân BIDV - Chi nhánh Chương Dương) về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Năm 2006, UBND tỉnh Lai Châu ký quyết định cho phép Công ty Xi măng Lào Cai (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) xây dựng dự án Thủy điện Nậm Giê có công suất 4MW. Để thực hiện dự án, BIDV - Chi nhánh Lào Cai và Công ty Cho thuê tài chính BIDV đồng tài trợ và cho vay 40 tỷ đồng. Công ty cho thuê tài chính giải ngân các hạng mục thiết bị nhà máy đồng bộ, thiết bị phục vụ thi công, chi phí lắp đặt và dụng cụ lắp đặt.

Khoảng tháng 7/2007, ông Bùi Văn Khen ký hợp đồng với ông Nguyễn Công Đường, Giám đốc Công ty Xi măng Lào Cai, nhưng là hợp đồng trống, không nêu rõ tài sản cho thuê, giá trị bao nhiêu. Nội dung hợp đồng chỉ ghi: “Bên A ủy quyền cho bên B ký hợp đồng mua bán tài sản với bên cung ứng…

Trong hợp đồng mua bán tài sản giữa bên B và bên cung ứng quy định rõ, hóa đơn bán tài sản (hóa đơn VAT) ghi rõ bên mua là bên B. Sau khi dự án hoàn thành, bên B phải tổng hợp quyết toán, xuất lại toàn bộ hóa đơn VAT cho bên A theo quy định…”. Số tiền thuê tài chính là 22 tỷ đồng, thời hạn thuê 7 năm, kỳ hạn trả tiền 3 tháng/lần.

Hành vi của các bị can đã vi phạm quy định tại Điều 1, Điều 24 - Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 2/5/2001 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của cơ quan cho thuê tài chính.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Việt Hưng thừa nhận tham mưu cho Giám đốc Bùi Văn Khen soạn thảo hợp đồng, đồng thời ký nháy vào 2 văn bản hợp đồng cho thuê và thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án ba bên.

Bị can Bùi Văn Khen khai nhận, Hưng là người trực tiếp làm toàn bộ hồ sơ, thủ tục. Mặc dù biết việc này trái với quy định, nhưng bị can tin tưởng Công ty Xi măng Lào Cai là doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh của tỉnh Lào Cai, có quan hệ tín dụng lâu năm với chi nhánh Ngân hàng, khả năng rủi ro thấp, nên đồng ý ký hợp đồng.

Từ tháng 8-10/2007, các bị can đã giải ngân cho Công ty Xi măng Lào Cai 4 lần, với tổng số tiền 5,9 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị phục vụ việc thi công dự án thủy điện. Cụ thể, chi 1,8 tỷ đồng mua máy xúc Sumitomo SH240-5; 750 triệu đồng mua máy trạm trộn bê tông; 1,7 tỷ đồng mua xe cẩu tự hành; 1,6 tỷ đồng mua dây chuyền nghiền đá.

Sau khi chi tiền, các bị can không thực hiện kiểm tra việc sử dụng tài sản cho thuê. Trong suốt quá trình sử dụng và cho thuê tài sản, Công ty Xi măng Lào Cai không thực hiện việc thanh toán theo quy định của Điều 5 hợp đồng. Tuy nhiên, các bị can không có biện pháp đôn đốc, dẫn đến việc Nguyễn Công Đường chuyển nhượng, cho thuê lại tài sản trên trái pháp luật, làm mất hoàn toàn quyền sở hữu của Công ty cho thuê tài chính BIDV.

Ngoài ra, các bị can còn có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại số tiền 5,8 tỷ đồng đối với thiết bị mua tại Trung Quốc. Cùng thời điểm trên, Công ty Xi măng Lào Cai và Công ty Hàng hóa xuất nhập khẩu Phúc Điện (Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc) đã ký hợp đồng mua thiết bị thủy điện và dịch vụ kỹ thuật công trình dự án.

Bị can Nguyễn Việt Hưng làm tờ trình đề nghị lãnh đạo Công ty cho thuê tài chính BIDV phê duyệt giải ngân 5,8 tỷ đồng vào tài khoản bên bán. Năm 2008, Công ty Hàng hóa xuất nhâp khẩu Phúc Điện thông báo cho ông Nguyễn Công Đường nhận hàng. Khi đó, Công ty Xi măng Lào Cai mất cân đối tài chính, dừng việc xây dựng nhà máy thủy điện nên Nguyễn Công Đường từ chối nhận thiết bị, với lý do không có mặt bằng.

Tổng số tiền thiệt hại trong việc cho mua, cho thuê đối với các thiết bị, máy móc là hơn 11,3 tỷ đồng tiền gốc và 9,6 tỷ đồng tiền lãi.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Công Đường là người chỉ đạo việc mua, bán, gán nợ, cho thuê các thiết bị, có dấu hiệu tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Song do ông Đường đã qua đời năm 2012 nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý.

Liên quan đến việc mua bán máy trộn bê tông có ông Phạm Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Hàn Việt; Quàng Văn Bình, Giám đốc Công ty Thủy điện Nậm Bú; Chu Duy Tiệp, cán bộ Công ty TNHH MTV Khảo sát thiết kế xây dựng điện 4 (thuộc CTCP Tư vấn xây dựng điện 1). Cơ quan điều tra xác định, những người này đã nhận thức hành vi sai phạm và tự nguyện khắc phục 343 triệu đồng, máy trộn bê tông đã được thu hồi nên không xử lý hình sự.

Trước khi vụ án bị khởi tố, Công ty Xi măng Lào Cai đã nộp trả 500 triệu đồng, các bị can khắc phục 1 tỷ đồng.

Tin bài liên quan