Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như trong phiên tòa sáng 16/12. Ảnh: NLĐ

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như trong phiên tòa sáng 16/12. Ảnh: NLĐ

Phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, nhiều câu hỏi chưa được trả lời

(ĐTCK) Sau hai ngày xét xử phúc thẩm, bị cáo Huyền Như không kháng cáo bản án tù chung thân đã bị cấp sơ thẩm xét xử, mà chỉ đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét trả lại villa thuộc Dự án Nam Hải tại Quảng Nam cho mẹ, bởi theo bị cáo, đây là tài sản có được trước khi bị cáo phạm tội.

Ngày đầu tiên xét xử (15/12), phần thủ tục của phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án tham nhũng do Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm thực hiện đã chiếm hết buổi sáng. Sang ngày thứ hai, HĐXX tập trung thẩm vấn về nguyên tắc mở tài khoản, nguyên tắc thực hiện lệnh chi, hạch toán của sổ sách tại các ngân hàng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, khi HĐXX đưa ra câu hỏi theo quy định pháp luật có văn bản nào cho phép ngân hàng này mang tiền sang gửi tại ngân hàng khác để hưởng lãi suất không, đã có ý kiến trả lời trái ngược nhau. Cụ thể, Huyền Như và đại diện Ngân hàng Vietinbank trả lời là không, trong khi đó đại diện Ngân hàng ACB và Ngân hàng Navibank (hai nguyên đơn dân sự) lại trả lời là có theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

“Cùng một quy phạm pháp luật, nhưng có hai cách hiểu khác nhau. Một bên có chuẩn bị, một bên thì ấp a ấp úng. Rõ ràng hai bên có quyền lợi khác nhau”, Chủ tọa phiên tòa nói.

Để trả lời câu hỏi này, HĐXX yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giải thích với tư cách là trọng tài để HĐXX lấy đó làm căn cứ. Song, vị đại diện của NHNN lại trả lời không đúng trọng tâm. Sau nhiều lần bị HĐXX nhắc nhở, vị đại diện này xin được trả lời sau.

Về hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đối với Công ty Hưng Yên, theo HĐXX, Huyền Như đã chiếm đoạt của công ty này hơn 200 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, đại diện Công ty Hưng Yên có kháng cáo yêu cầu xem xét lại vấn đề tố tụng và hủy án sơ thẩm. Theo ông Hưng, bản án sơ thẩm đã đánh giá chứng cứ của Công ty sai và xác định tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank sai. Cụ thể, trong bản sơ thẩm xác định tư cách của Vietinbank là nguyên đơn, theo kháng cáo bổ sung của Công ty Hưng Yên thì phải xác định Vietinbank với tư cách là bị đơn.

Tại phiên tòa, bị cáo Huyền Như cho biết, mọi việc giao dịch đều thông qua chị Nguyễn Thị Nga (Nhân viên Ngân hàng Hàng Hải) chứ hoàn toàn không liên hệ với  3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên. Theo đó, Huyền Như đã làm giả hồ sơ, con dấu và việc thay đổi hồ sơ là để dễ chuyển tiền. Trong 3 bộ hồ sơ, chỉ có hồ sơ của Công ty Hưng Yên là hợp lệ. Đối với việc làm giả hai bộ hồ sơ của Công ty Phúc Vinh và Thịnh Phát, Huyền Như cho rằng, do khó ký giả chữ ký nên phải đổi hồ sơ. Đại diện Vietinbank cũng xác định, việc mở tài khoản của Công ty Hưng Yên là hợp lệ.

Tuy nhiên, khi HĐXX thẩm vấn đại diện Vietinbank về trách nhiệm của ngân hàng và khách hàng đối với tài khoản thanh toán. Đại diện Vietinbank cho rằng, tiền trong tài khoản thanh toán của khách hàng tại Ngân hàng không phát sinh quan hệ gửi giữ, chỉ tiền gửi tiết kiệm mới phát sinh quan hệ gửi giữ.

Vấn đề này được HĐXX trưng cầu ý kiến của đại diện NHNN. Vị đại diện này cho rằng, NHNN không có chức năng trả lời đúng hay sai mà chỉ cung cấp các tài liệu liên quan cho phiên tòa, nên xin phép không đánh giá việc này.

Kết thúc ngày thứ 2 xét xử, câu hỏi của HĐXX với bị cáo Huyền Như về nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo chỉ đưa khách hàng về Phòng giao dịch Điện Biên Phủ vẫn chưa có câu trả lời.

Phiên xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra từ ngày 15 đến hết 31/12. Thẩm phán hiện nay là ông Quảng Đức Tuyên - chủ tọa phiên tòa.

Tin bài liên quan