Đại diện Ngân hàng Xây dựng tại phiên tòa

Đại diện Ngân hàng Xây dựng tại phiên tòa

Oceanbank đề nghị CBBank có trách nhiệm với khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung

(ĐTCK) Đại diện Oceanbank đề nghị Ngân hàng Xây dựng (CBBank) có trách nhiệm liên đới để thanh toán hợp đồng 3 bên đã ký kết năm 2012 giữa Oceanbank, Ngân hàng Đại Tín (nay là CBBank) và Công ty Trung Dung.

Chiều 6//3, các luật sư tham gia hỏi trong phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm và đồng phạm.

Đối với hành vi Vi phạm quy định cho vay, các luật sư đã tập trung các câu hỏi làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Xây dựng (VNBC - nay là CBBank).

Theo cáo buộc, Oceanbank đã cho Công ty Trung Dung - Công ty của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng vay 500 tỷ đồng.

Trong những ngày xét xử trước đó, bị cáo Hà Văn Thắm khai rằng có nhận thức một số rủi ro như là tài sản bảo đảm chưa có sổ đỏ, rủi ro cho vay bất động sản. Do đó, bị cáo Thắm đã yêu cầu bổ sung biện pháp bảo đảm là phong tỏa số tiền 500 tỷ đồng tại tài khoản của Công ty Trung Dung mở tại Ngân hàng Đại Tín. Ba bên gồm Công ty Trung Dung - Oceanbank - Ngân hàng Đại Tín đã ký biên bản thỏa thuận với nội dung phong tỏa tài khoản nói trên cho tới khi Oceanbank nhận được giấy tờ gốc của tài sản bảo đảm và đồng ý giải tỏa.

Tuy nhiên, số tiền 500 tỷ đồng đã được rút ra để sử dụng và việc này gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Oceanbank.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm đã yêu cầu hỏi đại diện Ngân hàng Xây dựng lý do gì ngân hàng không phong tỏa tài khoản theo biên bản 3 bên này.

Đại diện Ngân hàng Xây dựng trình bày, cho đến khi vụ án xảy ra, làm việc với cơ quan điều tra thì mới biết có biên bản 3 bên đó và đến nay chỉ nhìn thấy bản photo. Để đánh giá biên bản như thế nào thì phải căn cứ trên bản chính.

Dưới đây là phần hỏi và trả lời giữa luật sư Nguyễn Huy Thiệp và đại diện Ngân hàng Xây dựng.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Khi đại diện theo pháp luật ký đóng dấu có phải căn cứ để doanh nghiệp chịu trách nhiệm hay không?

Đại diện Ngân hàng Xây dựng: Chúng tôi chưa hề nhìn thấy biên bản để đánh giá về tính xác tín của nó. Tại phiên tòa, chúng tôi vẫn khẳng định thừa nhận Ngân hàng Xây dựng bây giờ kế thừa các quyền và nghĩa vụ từ các giao dịch hợp pháp của Ngân hàng Đại Tín trước đây. Giao dịch đó có hay không, đúng hay không do Hội đồng xét xử phán quyết.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Nếu Ngân hàng Đại Tín thực hiện cam kết phong tỏa như biên bản 3 bên thì tiền có ra khỏi tài khoản Công ty Trung Dung tại ngân hàng được không?

Đại diện Ngân hàng Xây dựng: Khi không tồn tại biên bản hoặc là không biết có biên bản đó thì không thể biết để mà thực hiện. Chúng tôi không nhận được, không biết nội dung văn bản đó như thế nào, nên không trả lời được, chúng tôi không trả lời câu hỏi giả định.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Việc lưu trữ chứng từ tài liệu của doanh nghiệp mình do doanh nghiệp chịu trách nhiệm hay do đối tác chịu trách nhiệm?

Đại diện Ngân hàng Xây dựng: Việc lưu trữ, chứng từ tài liệu của doanh nghiệp mình do doanh nghiệp mình chịu trách nhiệm, nhưng trước hết phải đến được đơn vị mình đã.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Văn bản do người đại diện theo pháp luật ký đóng dấu thì dù không lưu trữ thì khi tiếp nhận doanh nghiệp có phải thực hiện không? Hay do sơ suất không lưu trữ nên chối luôn?

Đại diện Ngân hàng Xây dựng: Tôi chưa hề nói đây là do sơ suất lưu trữ của chúng tôi. Tôi nói là không biết, không nhận được văn bản này.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Khi diễn ra giao dịch, ai là giám đốc ngân hàng?

Đại diện Ngân hàng Xây dựng: Ông Trần Xuân Nam.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Ông Nam ký thì đương nhiên Ngân hàng Đại Tín chịu trách nhiệm đúng không?

Đại diện Ngân hàng Xây dựng: Tôi không biết ông Nam ký như thế nào... Không phải mọi văn bản ông Nam ký đều đại diện cho Ngân hàng.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Thế nếu dùng con dấu nữa thì sao?

Đại diện Ngân hàng Xây dựng: Nếu mà trong trường hợp đó thì... ờ... Tôi nghĩ là trong trường hợp này tôi là người đại diện theo ủy quyền, tôi sẽ trả lời câu hỏi về nội dung sự việc, tôi không đưa ra nhận xét.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Thì đây, đây là văn bản tài liệu đang liên quan đến sự việc, tổng giám đốc ký đóng dấu ngân hàng bây giờ chối bảo là không có.

Đại diện Ngân hàng Xây dựng: Tôi không chối có hay không, tôi chỉ nói là chúng tôi không nhận được.

Về đường đi số số tiền 500 tỷ đồng trong tài khoản của Công ty Trung Dung mở tại Ngân hàng Đại Tín, đại diện Ngân hàng Xây dựng cho biết, ngày 23/11/2012, có một khoản tiền từ tài khoản của Công ty Trung Dung mở tại Vietcombank chuyển vào tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín.

Đến 10/12/2012, Công ty Trung Dung đã có 4 ủy nhiệm chi do ông Trần Văn Bình, đại diện theo pháp luật ký, cho 4 cá nhân, trong đó có ông Phạm Công Danh. Ngay sau đó, 4 cá nhân này mở sổ tiết kiệm tương ứng với số tiền được rút ra. Nhưng 4 cá nhân này đã rút số tiền này trước thời hạn.

Ngày 22/6/2013, Ngân hàng Xây dựng đã ban hành 2 văn bản xác nhận số dư tài khoản có 500 tỷ đồng theo yêu cầu của Công ty Trung Dung và ngân hàng còn hạch toán tiền phí dịch vụ.

Cụ thể hơn, đại diện Ngân hàng Xây dựng trình bày, trước đó có khoản 500 tỷ đồng từ tài khoản Phạm Công Danh chuyển vào tài khoản Công ty Trung Dung. Sau đó, Công ty Trung Dung có văn bản xin xác nhận số dư, tiếp đó nữa, Ngân hàng có văn bản xác nhận số dư. Xác nhận số dư xong thì Công ty Trung Dung chuyển số tiền này đi.

Oceanbank đề nghị CBBank có trách nhiệm liên đới thanh toán hợp đồng đã ký

Đại diện Oceanbank cho biết, Oceanbank còn biên bản cam kết 3 bên năm 2012 về thực hiện giữa Oceanbank, Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng CBBank) và Công ty Trung Dung.

Nội dung là Ngân hàng Xây dựng chỉ giải tỏa số tiền 500 tỷ đồng khi nào có thông báo của Oceanbank, Ngân hàng Xây dựng chưa thực hiện đúng nội dung này.

Đề nghị Ngân hàng Xây dựng có trách nhiệm liên đới để thanh toán hợp đồng các bên đã ký kết

Tin bài liên quan