Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Nguyễn Xuân Sơn đầu tư hàng tỷ đồng vào chứng khoán, bất động sản và sàn vàng

(ĐTCK) Thừa nhận cầm trăm tỷ từ Oceanbank nhưng bị cáo Sơn kê khai các khoản chi chăm sóc khách hàng, đối ngoại… Bị cáo khẳng định không đút túi cá nhân mà tài sản đến từ các nguồn từ vấn đầu tư chứng khoán, bất động sản, sàn vàng.

Chiều 31/8, sau khi thẩm vấn 34 giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch, HĐXX quay lại phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn để làm rõ khoản chi 69 tỷ đồng nhận thông qua BSC và 246 tỷ đồng của Oceanbank.

Cựu Tổng giám đốc Oceanbank tiếp tục giữ nguyên lời khai trước đó vào ngày hôm qua. Bị cáo khẳng định khoản tiền nhận từ Hà Văn Thắm để chi chăm sóc khách hàng, đối ngoại, chúc tết… Bị cáo chi hết số tiền đó, không đút túi cá nhân.

“Khi nào anh Thắm có tiền thì chi, không có quy định, quy tắc nào cả. Bị cáo khẳng định số tiền đó được chi có hiệu quả”, bị cáo Sơn khai nhận.

Trước tòa, bị cáo Sơn cho biết mình có rất nhiều khoản tiền đến từ đầu tư tài chính.

“Bị cáo đầu tư vào một số dự án bất động sản như số 1 Láng Hạ, hay đầu tư vào Ngân hàng Liên Việt, ủy thác cho người khác đầu tư. Một số khoản đầu tư bị cáo giao cho Nguyễn Xuân Thắng quản lý vì Thắng là người thân. Thậm chí, có lần bị cáo chuyển 7-10 tỷ đồng đầu tư sàn vàng. Bị cáo Thắng tự quyết định các khoản đầu tư mua vào, bán ra”, bị cáo Sơn nói.

HĐXX cho rằng thống kê những khoản đầu tư chứng khoán, căn hộ chỉ khoảng vài tỷ. Số tiền còn lại đi đâu? Bị cáo Sơn khai nhận, sau khi thôi chức Tổng giám đốc Oceanbank, bị cáo thanh lý hết tài sản. Ngoài tài sản phong tỏa, bị cáo không còn tài sản khác.

Tòa cũng lật lại lời khai của Nguyễn Xuân Sơn về những khoản chúc tết lên đến 200 triệu đồng. Với số tiền lớn như vậy, món quà còn mang tính tình nghĩa không? Bị cáo Sơn thật thà: “Đó là khoản chi thông lệ. Đối với doanh nghiệp tư nhân, khoản chi đó rất khiêm tốn”.

Thẩm phán hỏi tiếp: “Theo luật chống tham nhũng, với những khoản chi 500.000 đồng trở lên bị cấm. Bị cáo nghĩ như nào”, bị cáo Sơn đáp: “Đó cũng là nỗi khổ của doanh nghiệp”.

Ngoài vấn đề trên, HĐXX cũng hỏi đến thủ tục pháp lý đại diện vốn góp của PVN tại Oceanbank. Bị cáo Sơn khai nhận, theo quy định của Tập đoàn PVN phải có 2 yếu tố là quyết định giao cho bị cáo giữ bao nhiêu vốn, thời gian bao lâu. Khi có quyết định, PVN sẽ trả lương cho bị cáo. Với Oceanbank, người nào là đại diện phần vốn góp phải đứng tên trong sổ cổ đông. Tập đoàn chưa có quyết định, Oceanbank không làm thủ tục đăng ký đại diện phần vốn góp. Trong hồ sơ không có tên bị cáo là đại diện phần vốn góp.

“Bị cáo khẳng định không có ngày nào giữ chức đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank. Công văn giới thiệu chỉ là một trong những điều kiện trở thành người góp vốn”, bị cáo Sơn khai nhận.

Tin bài liên quan