Chiều 22/3, phiên tòa xét xử vụ án Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN) và đồng phạm chuyển sang phần tranh luận.
Bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, không có căn cứ xác định thân chủ của ông phạm tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo luật sư, cáo trạng quy buộc 2 đợt góp vốn đầu tiên (700 tỷ đồng), bị cáo Đinh La Thăng ký Nghị quyết HĐQT trước khi có ý kiến phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, luật sư Thiệp lập luận, quá trình đầu tư có rất nhiều công đoạn, giai đoạn. Nếu ở đơn vị cơ sở không thống nhất được định hướng, chủ trương thì không có gì để báo cáo. Nghị quyết HĐQT mang tính chất nội bộ.
“Hiện không có văn bản quy định quy trình là phải ký nghị quyết trước khi có ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Với nguyên tắc suy đoán vô tội, HĐQT phải họp trước, có nội dung cụ thể. Trên cơ sở thống nhất, người đại diện ký văn bản, tờ trình xin ý kiến và chỉ được phép đầu tư sau khi có ý kiến Thủ tướng”, luật sư Thiệp biện hộ.
Đánh giá về đợt góp vốn lần 3 (100 tỷ đồng) vi phạm khoản 2 Điều 55, Luật Các tổ chức tín dụng, luật sư Thiệp dẫn Điều 156 Luật Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, Luật được ban hành nhưng chưa có hiệu lực pháp luật.
Mặt khác, trong hồ sơ Oceanbank trình cơ quan quản lý nhà nước để thay đổi đăng ký kinh doanh thể hiện cổ đông lớn trong đó có PVN. Mọi thông tin đều được công khai. Các cơ quan quản lý thấy rằng, không có vấn đề gì, không vi phạm pháp luật nên đã chấp thuận cho Oceanbank thay đổi giấy phép đăng ký.
“Ông Hà Văn Thắm cũng có lời khai thể hiện bản thân ông đã phong tỏa tài khoản 100 tỷ đồng PVN góp vốn rồi làm văn bản xin ý kiến các cơ quan quản lý. Khi được sự đồng ý của các cơ quan quản lý, ông Thắm mới giải tỏa tài khoản trên và không nhận được cảnh báo nào", luật sư Thiệp phân tích.
Luật sư Phan Trung Hoài nêu ý kiến cho rằng, khi PVN và các cổ đông khác góp vốn, Oceanbank đã làm thủ tục báo cáo NHNN và UBCK về việc tăng vốn. Song Oceanbank không nhận cảnh báo hoặc bất cứ ý kiến nào của các cơ quan này về việc PVN vi phạm tỷ lệ góp vốn. Đến năm 2012, khi Thanh tra giám sát NHNN làm việc với Oceanbank có kết luận tại Oceanbank đang tồn tại việc PVN nắm giữ 20% vốn điều lệ là không đúng quy định nhưng không có chế tài xử phạt.
Phần phát biểu của mình, bị cáo Đinh La Thăng gửi lời cảm ơn đến các luật sư dành thời gian, tâm huyết phản ánh vụ việc theo sự thật khách quan. Tuy nhiên, bị cáo lo ngại, với những cáo buộc của cơ quan tố tụng, bị cáo không còn thời gian chấp hành hết hình phạt tù.
Bào chữa tại tòa, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN) đề nghị HĐXX xem xét về việc Hội đồng thành viên PVN đã có trách nhiệm bảo toàn, phát triển vốn theo đúng quy định. Điều này thể hiện trong báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính.
Bị cáo Quỳnh cho rằng, trong lần góp vốn thứ nhất, bị cáo không được phân công, đàm phán, tham mưu, đề xuất việc góp vốn vào Oceanbank. Lần góp vốn thứ hai, bị cáo đã phân công nhiệm vụ cho phó ban. Bị cáo không có bút tích chỉ đạo ban tài chính kế toán góp vốn. Lần thứ ba, bị cáo không vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng.
“Trong vụ án này, bị cáo còn bị truy tố thêm tội Lạm dung chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Song quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo đã khai báo hành vi sai phạm, rất ăn năn, hối hận, xấu hổ. Bị cáo xin khẳng định, đã khai báo trung thực những gì đã làm, không nhận thêm từ anh Sơn như lời khai của anh (về căn hộ Star City - PV)”, bị cáo Quỳnh biện bạch.