Trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), các bị cáo nguyên là lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng phải chịu trách nhiệm về số tiền chi ngoài lãi suất.
Cụ thể, bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị) phải chịu trách nhiệm chính với số tiền 1.576 tỷ đồng chi sai quy định. Bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng giám đốc) liên đới trách nhiệm bồi thường số tiền 784,5 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc) chịu trách nhiệm bồi thường 544 tỷ đồng (trong đó, số tiền vụ lợi là 246 tỷ đồng).
Để khắc phục thiệt hại, cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên, phong tỏa tài sản là bất động sản, cổ phần, cổ phiếu của các bị cáo.
Cụ thể, đối với bị cáo Hà Văn Thắm, cơ quan điều tra phong tỏa hơn 88 triệu cổ phiếu OGC (của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương); 1.084 cổ phiếu RIC (Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia) và 888 cổ phiếu STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín). Trong 88 triệu cổ phiếu OGC, có 3,3 triệu cổ phiếu do Thắm trực tiếp đứng tên và 84,7 triệu cổ phiếu đứng tên Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (do Thắm là chủ doanh nghiệp).
Bị cáo Nguyễn Minh Thu bị phong tỏa 36.000 cổ phiếu OGC; 80.324 cổ phiếu PVS (Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam); 11.000 cổ phiếu DPM (Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí).
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Minh Thu khai nhận số cổ phiếu trên được hình thành từ tiền lương của bị cáo. Riêng số lượng cổ phiếu DPM, bị cáo mua từ năm 2015, trị giá 200 triệu đồng. Còn cổ phiếu OGC, bị cáo mua theo chủ trương của Hà Văn Thắm. Bị cáo xin nộp tài sản trên để khắc phục hậu quả.
Trong số tài sản là cổ phiếu của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị cơ quan điều tra kê biên, có nhiều cổ phần, cổ phiếu Sơn nhờ cháu ruột là Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Phó giám đốc Khối Khách hàng lớn và đối tác chiến lược, Oceanbank) đứng tên gồm: 35.927 cổ phiếu DCM (Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau); 354.900 cổ phần của Ngân hàng TMCP Liên Việt; 600.000 cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại và công nghệ dầu khí Việt Phát.
Cơ quan điều tra cũng kê biên 3 nhà đất của Nguyễn Xuân Sơn, bao gồm một căn hộ tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) và nhà ở tại phường Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội) do vợ chồng Nguyễn Xuân Sơn đứng tên; một căn hộ tại Khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy) do Sơn thanh toán tiền nhưng nhờ Nguyễn Xuân Thắng đứng tên trên hợp đồng mua bán. Tại tòa, bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ bị cáo Sơn) cho rằng căn hộ ở Ciputra và nhà ở Xuân Diệu là tài sản chung của hai vợ chồng và đề nghị tòa được lấy lại các tài sản trên.
Với khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và dịch vụ Trung Dung tại Oceanbank, hiện còn nợ gốc là 343 tỷ đồng, cơ quan điều tra tiếp tục kê biên tài sản thế chấp gồm hơn 5,8 triệu cổ phiếu SSGG (Công ty cổ phần Tập đoàn SSG) và 2 bất động sản tại khu biệt thự Sài Gòn Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Oceanbank đề nghị bồi thường 1.429 tỷ đồng
Đại diện ủy quyền của Oceanbank, luật sư Nguyễn Thị Kim Ngọc trình bày, hiện tại Oceanbank đang kiện toàn lại bộ máy và tích cực triển khai các biện pháp thu hồi công nợ. Các cổ đông cũ của ngân hàng (như PVN, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Sông Đà, Công ty TNHH VNT...) bị chấm dứt quyền lợi và nghĩa vụ từ khi Ngân hàng Nhà nước mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.
Theo đại diện Oceanbank, Ngân hàng đã được hoàn ứng số tiền 146 tỷ đồng. Oceanbank đã tính trừ thiệt hại, xác định số còn lại buộc các đơn vị, cá nhân liên đới bồi thường số tiền 1.429 tỷ đồng. Còn tài sản là tang vật chứng của vụ án cơ quan điều tra đã thu giữ, Oceanbank đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tuyên trả cho Oceanbank. Oceanbank cũng đề nghị tòa án tiếp tục kê biên tài sản cầm cố của bên thứ ba để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Công ty Trung Dung.