Tổng số tiền các bị can đã gây thiệt hại là hơn 52 tỷ đồng

Tổng số tiền các bị can đã gây thiệt hại là hơn 52 tỷ đồng

Hơn 85 tỷ đồng được để ngoài sổ sách của Công ty PVC-ME

(ĐTCK) Sau một tuần xét xử, các bản án dành cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo CTCP Thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME) đã được tuyên. Bằng việc lập khống giấy tờ để rút tiền quỹ, các bị cáo đã làm thiệt hại cho PVC-ME hàng chục tỷ đồng. 

Kết quả điều tra xác định, quá trình sản xuất - kinh doanh từ tháng 1/2009 đến tháng 9/2012, PVC-ME do Trịnh Văn Thảo làm Giám đốc đã xảy ra hàng loạt hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, tiền vốn, rút tiền quỹ để chi tiêu trái quy định, để ngoài sổ sách kế toán số tiền hơn 85 tỷ đồng.

Trịnh Văn Thảo và các đồng phạm đã yêu cầu cán bộ, nhân viên Công ty lập chứng từ tạm ứng khống “chi phục vụ công trình” nhưng không được nhận tiền nhằm hợp thức hóa việc rút tiền nêu trên. Ngoài ra, các bị cáo còn thu tiền mặt của cán bộ, công nhân viên và các công ty đối tác nhưng không nộp vào quỹ Công ty; theo dõi thu chi ngoài hệ thống sổ sách kế toán, lập khống chứng từ rút tiền quỹ... 

Cụ thể, Trịnh Văn Thảo đã chỉ đạo Bùi Trọng Chinh, Kế toán trưởng PVC-ME và một số nhân viên khác lập quỹ trái quy định, rút hơn 47 tỷ đồng không có chứng từ chi theo quy định. Lý do là để Trịnh Văn Thảo đi “chạy dự án” cho Công ty, chi phí đối ngoại và lập quỹ để ngoài sổ sách.

Việc rút tiền quỹ và giao nhận tiền giữa Trịnh Văn Thảo, Bùi Trọng Chinh và các nhân viên cấp dưới không có giấy tờ biên nhận, nhưng được Phạm Thị Hải Hà, Thủ quỹ Công ty, theo dõi ghi chép trên 5 quyển sổ quỹ và 1 file excel. Hàng tháng thủ quỹ đều báo cáo cấp trên số tiền rút ra từ quỹ để Trịnh Văn Thảo “xử lý”.

Trịnh Văn Thảo đã chỉ đạo một số cán bộ lãnh đạo ở các ban chỉ huy công trường và lãnh đạo các phòng ban thuộc Công ty ký và viết giấy đề nghị tạm ứng kèm phiếu chi, nhưng không được nhận tiền để che giấu số tiền đã rút trước đó.

Trong tổng số tiền quỹ 47 tỷ đồng, có hơn 36 tỷ đồng được rút ra để chi tiêu trái quy định; 9 tỷ đồng lập quỹ ngoài sổ sách. 20 cán bộ Công ty PVC-ME viết và ký 47 giấy đề nghị tạm ứng, 46 phiếu chi và 1 ủy nhiệm chi nhưng không nhận tiền.

Trịnh Văn Thảo cũng chỉ đạo Kế toán trưởng Bùi Trọng Chinh, Thủ quỹ Phạm Thị Hải Hà thu tiền mặt hơn 29 tỷ đồng của 27 người là cán bộ trong Công ty để lập quỹ ngoài sổ sách.

Có 6 công ty là đối tác đã nộp hơn 8,5 tỷ đồng cho Công ty PVC-ME. Sau khi ký hợp đồng thi công, Trịnh Văn Thảo lấy lý do Công ty PVC-ME đang thiếu tiền chi, đề nghị đối tác cho tạm ứng, khi bắt đầu thi công sẽ hoàn trả đủ. Số tiền này được đưa vào quỹ “đen” ngoài sổ sách.

Không chỉ thế, Trịnh Văn Thảo còn chỉ đạo cấp dưới lập khống 5 hợp đồng thi công công trình. Trên cơ sở hợp đồng khống này, Công ty PVC-ME đã chuyển tiền cho các đối tác, sau đó các đối tác rút tiền mặt, trả lại cho Trịnh Văn Thảo. Tổng số tiền này là hơn 3,5 tỷ đồng.

Công ty PVC-ME được Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) phê duyệt đề án thành lập vào năm 2009, với phần vốn góp 102 tỷ đồng, chiếm 51% vốn điều lệ. Đến năm 2010, PVC-ME nâng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng và PVC góp 200 tỷ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ. Đại diện phần vốn góp của PVC tại PVC-ME là Vũ Duy Thành, giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty.

Tài liệu vụ án xác định, từ khi PVC-ME cổ phần hóa đến thời điểm xảy ra vụ án, HĐQT do Vũ Duy Thành làm Chủ tịch không chỉ đạo, giám sát, kiểm tra hoạt động của Tổng giám đốc và cán bộ quản lý, không phát hiện được sai phạm kéo dài nhiều năm.

Trần Xuân Tình, Phó giám đốc PVC-ME, phụ trách kinh tế, kế hoạch đã không kiểm tra, kiểm soát, dẫn đến ký các phiếu chi khống, phiếu chi trái quy định.

Hành vi của các bị cáo, bị can đã gây thiệt hại cho PVC-ME gần 47 tỷ đồng, gây thiệt hại ngân sách hơn 1,1 tỷ đồng và gây thiệt hại tới một doanh nghiệp khác 4 tỷ đồng.

Cho đến nay, Trịnh Văn Thảo vẫn bỏ trốn nên cơ quan điều tra đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và ra lệnh truy nã đặc biệt. Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế để truy bắt.

Trong số 15 bị cáo, có tới 11 bị cáo thuộc PVC-ME, trong đó có Phó giám đốc Bùi Trọng Chinh, Kế toán trưởng Đinh Bá Lượng, Thủ quỹ Phạm Thị Hải Hà và các bị can thuộc các đội thi công của Công ty. Ngoài ra, còn có hai bị cáo Đoàn Tô Hùng (Tổng giám đốc CTCP Đầu tư xây dựng Bình Sơn) và Bùi Tiến Dũng (Giám đốc CTCP Công nghiệp hoá Việt Nam) cùng bị truy tố về tội cố ý làm trái.

Hai bị cáo gồm Vũ Duy Thành (Chủ tịch HĐQT PVC-ME) và Trần Xuân Tình (Phó Giám đốc PVC-ME) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong các ngày 10 - 16/8, TAND TP. Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử. Nhận thấy hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng, HĐXX đã tuyên phạt Bùi Trọng Chinh 15 năm tù giam, Phạm Thị Hải Hà 12 năm tù giam, các bị cáo còn lại chịu mức án từ 36 tháng án treo đến 7 năm tù giam.       

Tin bài liên quan