Theo cáo trạng, tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt là 13,2 tỷ đồng tiền thuế

Theo cáo trạng, tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt là 13,2 tỷ đồng tiền thuế

Hoãn xử vụ cựu Giám đốc Halico vì những lời khai mới

(ĐTCK) Sau một lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, phiên tòa xét xử vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico) tiếp tục phải tạm hoãn.

Cách đây một tháng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa các bị cáo Hồ Văn Hải (cựu Giám đốc Halico), Nguyễn Thị Kim Hạnh (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Hà Nội) ra xét xử.

4 đồng phạm gồm: Hoàng Văn Xưởng - cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân (Hoàng Lân), Đinh Thị Minh Hoa (vợ Xưởng), Nguyễn Thị Quỳnh Trang - cựu chuyên viên Phòng Phát triển thị trường Halico, Nguyễn Thị Thủy - cựu nhân viên Agribank, bị truy tố tội trốn thuế.

Phiên tòa lần đó phải tạm hoãn vì có lời khai thể hiện, trước khi quyết định ký kết các hợp đồng xuất khẩu rượu sang Lào với Công ty Hoàng Lân, Hồ Văn Hải nhận được sự đề xuất từ cấp dưới, trong đó có Nguyễn Hồng Tiến - Trưởng phòng Phát triển thị trường Halico.

Ngày 19/12/2016, phiên tòa được mở lần thứ ba, nhưng chỉ sau một ngày xét hỏi đã phải dừng lại.

Bị truy tố về hành vi lợi dụng chức vụ, tiếp tay cho Công ty Hoàng Lân trốn thuế 13,2 tỷ đồng, bị cáo Hồ Văn Hải cho rằng, có lỗ hổng về chính sách kiểm tra, kiểm soát khi hàng năm, Công ty đều có thanh tra thuế, kiểm toán đến làm việc.

Bị cáo lý luận: “Là giám đốc, tôi không thể kiểm tra từng container, chứng từ, hồ sơ. Để xảy ra vụ việc này có trách nhiệm của nhân viên xuất nhập khẩu, trưởng phòng, kế toán tài chính, kế toán tưởng”.

Bị cáo Hải cho rằng, bị cáo từng đặt vấn đề Halico có nên tiếp tục ký kết hợp đồng với Công ty Hoàng Lân. Tại phiên họp năm 2011, lãnh đạo Công ty đã thống nhất tiếp tục ký hợp đồng, nhưng phải thắt chặt kiểm tra và buộc doanh nghiệp làm bản cam kết. Lần họp khác vào đầu năm 2012 với các nhà phân phối, khi biết thông tin rượu xuất khẩu bán trong nước, bị cáo đã triệu tập Công ty Hoàng Lân thanh lý hợp đồng.

“Việc ký kết hợp đồng không phải ý kiến chủ quan của tôi, mà là của tập thể”, Hồ Văn Hải lý giải.

Ông Nguyễn Hồng Tiến-Trưởng phòng Phát triển thị trường Halico cho biết, khi phát hiện Công ty Hoàng Lân bán rượu xuất khẩu trong nước, ông đã nhiều lần báo cáo lên lãnh đạo, nhưng bất thành. Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử, ông Tiến nhận số tiền 450 triệu đồng là mặc nhiên tiếp tay cho doanh nghiệp.

Ngoài lời khai liên quan đến hành vi Hồ Văn Hải, nhiều ý kiến tranh cãi số tiền 13,2 tỷ đồng quy kết các bị cáo trốn thuế. Theo bị cáo Đinh Thị Kim Hoa, doanh nghiệp chỉ nhận được 17 - 25% tiền thuế tiêu thụ đặc biệt; con số 13,2 tỷ đồng là quá lớn.

Với những lời khai mới này, Hội đồng xét xử phải tạm hoãn phiên tòa để đánh giá, xem xét xác đáng.

Theo cáo trạng, từ năm 2006, bị cáo Hồ Văn Hải giữ chức Giám đốc Halico (vốn nhà nước chiếm 54%). Từ năm 2008, Công ty Hoàng Lân do vợ chồng Hoàng Văn Xưởng làm Giám đốc được Halico chấp thuận làm trung gian xuất khẩu rượu Vodka sang Lào. Rượu xuất khẩu không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Vợ chồng Xưởng nảy sinh ý định mua rượu xuất khẩu, găm lại bán trong nước.

Từ ngày 17 - 30/12/2008, Halico đã cung cấp cho đối tác 5.070 thùng rượu Vodka để xuất khẩu sang Lào. Theo ý tưởng ban đầu, vợ chồng Xưởng không thực hiện như cam kết, mà bán rượu tại Hà Nội. Tháng 9/2009, khi kiểm tra thị trường, Nguyễn Thị Quỳnh Trang phát hiện Công ty Hoàng Lân bán rượu xuất khẩu trong nước nên thỏa thuận được chia một phần lợi nhuận.

Khi một số đại lý rượu trong nước phát hiện và phản đối, vụ việc mới dừng lại. Nhưng một thời gian ngắn sau, Hồ Văn Hải nối lại hợp đồng mua bán với vợ chồng Xưởng.

Tổng cộng, Halico đã bán cho Công ty Hoàng Lân 100.902 thùng rượu Vodka Hà Nội các loại, trị giá 46,7 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp tiêu thụ nội địa hơn 46.300 thùng rượu.

Ngoài ra, vợ chồng Xưởng còn liên hệ trực tiếp với Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) để mua bia xuất khẩu rồi bán trong nước.

Hợp thức số rượu tiêu thụ trong nước, các bị cáo Thủy, Hoa, Hạnh giúp thực hiện các thủ tục kê khai hải quan. Cơ quan điều tra còn làm rõ, Hoa làm giả hợp đồng xuất khẩu rượu để đưa vào hồ sơ hải quan.

Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt là 13,2 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Trong đó, Nguyễn Thị Quỳnh Trang hưởng lợi 1,1 tỷ đồng, Hồ Văn Hải 600 triệu đồng, Nguyễn Thị Kim Hạnh 526 triệu đồng…    

Tin bài liên quan