Giảm hình phạt xuống 7 năm tù cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng

Giảm hình phạt xuống 7 năm tù cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng

(ĐTCK) Tòa cấp phúc thẩm đã chấp nhận đơn kháng cáo của Đinh Mạnh Thắng, giảm án từ 9 năm tù xuống còn 7 năm tù cho bị cáo này.

Sáng 8/6, HĐXX phúc thẩm vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại CTCP Bất động sản điện lực dầu khí (PVPLand). Theo đó, Tòa án chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh Mạnh Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà PVSD, giảm án cho bị cáo từ mức 9 năm tù giam xuống còn 7 năm tù giam.

Bị cáo Thái Kiều Hương, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Vietsan cũng được giảm án từ 10 năm xuống còn 8 năm tù giam.

Tòa cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Kế toán trưởng Công ty Minh Ngân, cũng như đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới tự do).

Tòa cấp phúc thẩm cho rằng, tại phiên tòa, bị cáo Thắng đã khai nhận rất thành khẩn, có nhiều thành tích trong công tác, khi được yêu cầu đã trả ngay số tiền đã chiếm đoạt. Khi bị bắt tạm giam, hoàn cảnh gia đình bị cáo rơi vào tình trạng éo le, nên chấp nhận giảm nhẹ cho bị cáo Thắng một phần hình phạt.

Bị cáo Thái Kiều Hương có 3 con, là lao động chính trong gia đình, người thân có công với cách mạng. Tình tiết giảm nhẹ này chưa được cấp sơ thẩm xem xét, nên Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Hương.

Với bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, tòa phúc thẩm nhận thấy, tòa sơ thẩm đã áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, mức hình phạt 10 năm tù đã là nhẹ, nên không có căn cứ giảm án.

Cấp sơ thẩm đánh giá bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa chuyển tiền theo chỉ đạo của bị cáo Lê Hòa Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5), quá trình điều tra, bị cáo đã tích cực phối hợp, giúp cho việc điều tra làm rõ sự thật vụ án được nhanh chóng nên khi lượng hình chỉ phạt 6 năm tù là phù hợp. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo không đưa ra tình tiết mới, lại kêu oan nên không có căn cứ xem xét giảm nhẹ thêm.

Theo Tòa phúc thẩm, PVN có cổ phần chi phối tại Tổng công ty Xây lắp Dầu khí - PVC. PVC lại là cổ đông lớn của PVP Land. Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT PVPLand, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC là những người có chức vụ, quyền hạn ký chuyển nhượng cổ phần của PVPLand tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, thực tế các bị cáo đã thỏa thuận chuyển nhượng với giá thấp hơn giá thị trường, tạo ra chênh lệch 87 tỷ đồng. Số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng, là tiền của nhà nước.

Theo bản án sơ thẩm, Lê Hòa Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP 1-5 muốn mua toàn bộ dự án Nam Đàn Plaza, trong đó PVP Land chiếm hơn 50% cổ phần. Lê Hòa Bình đã thông qua Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Thái Kiều Hương, Đinh Mạnh Thắng để tiếp cận Trịnh Xuân Thanh và được Trịnh Xuân Thanh đồng ý bán cổ phần với giá thấp hơn giá thực tế.

Khi đặt cọc, giá cổ phần tương đương mức giá 52 triệu đồng/m2 đất nền dự án. Có 4 cổ đông đã bán cổ phần với giá này. Nhưng cổ đông còn lại là PVP Land chỉ bán với giá 34 triệu đồng/m2. Tổng số tiền chênh lệch là 87 tỷ đồng.

Trong số tiền chênh lệch, Lê Hòa Bình đã chi 49 tỷ đồng trong đó nhiều cá nhân đã nhận được khoản tiền “cảm ơn” như Trịnh Xuân Thanh hưởng 14 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng hưởng 5 tỷ đồng.

Tin bài liên quan