Giả cán bộ của Cục Lao động nước ngoài lừa đảo tiền của người xuất khẩu lao động

Giả cán bộ của Cục Lao động nước ngoài lừa đảo tiền của người xuất khẩu lao động

(ĐTCK) Một nhân viên trạm y tế đã bỏ việc để lừa đảo tiền của người lao động xuất khẩu. Đường dây lừa đảo này đã chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng của hàng trăm người ở 17 tỉnh thành.

Trong hai ngày 22 và 23/10, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động với việc lừa đảo hàng trăm người với số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Huyền My (SN 1983, trú tại phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) vốn là nhân viên trạm y tế phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Năm 2007, thấy việc kiếm tiền từ người đi xuất khẩu lao động dễ dàng nên đã bỏ việc để xoay đường làm ăn.

Huyền My tự giới thiệu là cán bộ của Cục Lao động nước ngoài (thuộc Bộ Lao động thương binh và xã hội) và được giao công tác tuyển dụng đưa người đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc.

My đã móc nối với Vũ Bá Thủy (SN 1978, trú tại xã An Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội), nguyên Trưởng phòng hồ sơ của Công ty Mạnh Trung để tìm người lao động muốn đi xuất khẩu.

Thủy lại giới thiệu với 3 đối tượng khác vốn là các “sếp” của Công ty Mạnh Trung về đầu mối của My, theo đó, My nhận đưa người đi Hàn Quốc với giá 6.000 USD/1 lao động, và hứa trong 3 tháng sẽ làm hồ sơ xong, đi được nước ngoài.

Từ 4/2007 đến tháng 4/2010, đường dây 5 người này đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều đầu mối thu gom tiền của người lao động ở 17 tỉnh, thành phố với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Kết quả điều tra cho thấy, các cựu “sếp” của Công ty Mạnh Trung này cũng từng lừa đảo người xuất khẩu lao động. Theo hồ sơ vụ án, năm 2004, Lê Mạnh Trung (SN 1969, trú tại Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) thành lập CTCP thương mại công nghệ Mạnh Trung có chức năng dạy nghề, môi giới việc làm, không có chức năng tuyển người đi xuất khẩu lao động.

Dù vậy, Trung đã lợi dụng chức năng giáo dục dạy nghề và môi giới việc làm để tuyển người đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc. Trung tự bịa ra chương trình đi học chuyển giao công nghệ của công ty mẹ ở Hàn Quốc thời gian từ 3 – 5 năm, thu nhập 800 – 1.200 USD/tháng.

Trung yêu cầu người lao động chi phí 10.000 USD cho mỗi trường hợp đi xuất khẩu, đặt cọc 1.000 - 2.000 USD, thời gian từ khi đăng ký, nộp tiền đến khi xuất cảnh từ 1 - 5 tháng.

Để người lao động tin tưởng, Trung làm các giấy thông báo tuyển dụng có thời hạn tại Hàn Quốc và mẫu hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, làm giả hợp đồng của phía Hàn Quốc ký với người lao động.

Sau khi thống nhất phương thức như trên, Trung giao cho Nguyễn Văn Qua (SN 1981, quê quán xã Quảng Châu, Hưng Yên), Phó giám đốc công ty và Trần Văn Trình (SN 1983, quê quán Minh Tân, Hàm Yên, Tuyên Quang), Trưởng phòng kinh doanh đứng ra thông báo tuyển dụng. Số tiền thu được, Trung, Trình, Qua chia hưởng lợi.

Giai đoạn này, Trung, Trình, Qua đã thu tiền của 48 người lao động, chiếm đoạt hơn 6,3 tỷ đồng. Sau này, để che giấu, tránh bị phát hiện, bộ ba này đã bàn nhau giải thể Công ty Mạnh Trung vào cuối năm 2007.

Nhưng sau đó, Trung, Trình, Qua, Thủy tiếp tục lập thêm nhiều pháp nhân khác để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động như CTCP Thương mại đầu tư tài chính Đất Việt có trụ sở ở CT6, phường Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội), CTCP Hợp tác quốc tế Đại Phát, CTCP Thương mại HTT, CTCP kinh doanh – sản xuất len vải sợ Lai Phát…

Sau đó, qua Vũ Bá Thủy, Trung, Trình, Qua biết My và mở rộng hoạt động thu gom tiền qua các đầu mối ở tỉnh, thành khác.

Cơ quan điều tra xác định, tổng cộng đã có 50 cá nhân và 42 đầu mối thu gom tiền đã bị nhóm bị cáo này lừa đảo hơn 20 tỷ đồng.

Với hành vi này, sau hai ngày xét xử, Lê Mạnh Trung đã bị tuyên phạt 19 năm tù giam, cộng với án cũ Trung phải thi hành bản án 30 năm tù giam.

Nguyễn Văn Qua nhận án 13 năm tù giam, cộng với án cũ, Qua phải thi hành bản án 28 năm tù giam.

Trần Văn Trình nhận án 12 năm tù giam, Nguyễn Thị Huyền My bị tuyên phạt 19 năm tù giam, Vũ Bá Thủy nhận án 16 năm tù giam.

Tin bài liên quan