Phiên xử vụ án Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng tại VNCB chưa thể khép lại do vẫn còn những nội dung cần phải làm rõ

Phiên xử vụ án Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng tại VNCB chưa thể khép lại do vẫn còn những nội dung cần phải làm rõ

Đại án VNCB: Chờ làm rõ khoản tiền 5.490 tỷ đồng

(ĐTCK) Quá trình xét xử đại án VNCB đang bước vào những phiên cuối cùng. Trước đó, tại Tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh mức án 30 năm tù và phải chịu trách nhiệm hoàn trả hơn 9.000 tỷ đồng thiệt hại của vụ án này. 

Bị cáo Phan Thành Mai, cựu Tổng giám đốc VNCB được đề nghị mức án tù 24-26 năm; bị cáo Hoàng Đình Quyết mức án 20-22 năm…

Viện kiểm sát cho rằng, vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của VNCB là một trong những vụ án trọng điểm, gây hậu quả nghiêm trọng. Chỉ trong một thời gian ngắn, VNCB từ chỗ lỗ hơn 2.800 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm vụ án được khởi tố thì vốn chủ sở hữu đã âm tới hơn 18.000 tỷ đồng.

Dưới sự quản trị của Danh, VNCB không những không được tái cơ cấu theo chiều hướng tốt hơn như mục đích mua lại TrustBank (tiền thân của VNCB) ban đầu, mà còn kéo ngân hàng này “tụt dốc không phanh”. Vì thế, Viện kiểm sát cho biết đã cân nhắc, làm rõ những sai phạm của các bị cáo, cân nhắc những yếu tố giảm nhẹ, hành vi phạm tội… nên việc truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội.

Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM giữ quyền công tố tại Tòa giữ nguyên quan điểm kết luận Phạm Công Danh và đồng phạm đã có hành vi cố ý làm trái, gây thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng tại VNCB, trong đó có 5.490 tỷ đồng liên quan đến nhóm Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát).

Bị cáo Phan Thành Mai cũng bị truy tố tội liên quan đến các khoản vay, thay mặt HĐQT VNCB ký duyệt các khoản vay, vi phạm các quy định về cho vay với vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội. Đồng thời, Viện kiểm sát cho rằng, việc tiền bị rút ra khỏi ngân hàng thì bị cáo Mai phải chịu trách nhiệm về khoản 5.490 tỷ đồng (của nhóm Trần Ngọc Bích) mà Phạm Công Danh đã rút khỏi VNCB. Bởi theo lời khai của các bị cáo, việc rút tiền này thực hiện dưới sự chỉ đạo của Phan Thành Mai. Ngoài ra, các bị cáo khác là những cựu lãnh đạo VNCB như Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng, Lê Công Thảo đều phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do mình gây ra. Được biết, trong các phiên thẩm vấn trước đó tại Toà, các bị cáo này đều cho biết, làm theo chỉ đạo của cấp trên do áp lực cứu thanh khoản ngân hàng.

Chẳng hạn, với bị cáo Lê Công Thảo, Viện kiểm soát đã bác bỏ lời khai và cho rằng, nếu không có sự tham gia và chữ ký của Lê Công Thảo thì Phạm Công Danh không thể rút được tiền của VNCB qua dự án nâng cấp CoreBanking. Đối với bị cáo Hoàng Đình Quyết bị truy tố về cố ý làm trái quy định của Nhà nước là đúng người, đúng tội.

Ngoài ra, bị cáo Quyết cũng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại gây ra từ việc rút số tiền 5.190 tỷ đồng… của nhóm Trần Ngọc Bích. Nhưng do quá trình điều tra và thẩm vấn tại Tòa vẫn chưa làm rõ được quan hệ vay mượn giữa bị cáo Danh và bà Bích, cho nên chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự của bà Bích và các cá nhân liên quan.

Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phục hồi số tiền trên trong tài khoản của bà Bích, trên cơ sở tiếp tục kê biên 124 sổ tiết kiệm nhóm bà Bích đã thế chấp cho các khoản vay này. Viện kiểm sát cũng đề nghị tuyên buộc Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền trên. Theo Viện kiểm sát, có đủ cơ sở cho rằng, bị cáo Danh và đồng phạm đã rút 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của bà Bích tại VNCB như chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho VNCB 5.490 tỷ đồng...

Tuy nhiên, Luật sư Phan Trung Hoài và Luật sư Nguyễn Văn Trung (các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) không đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát. Luật sư cho rằng, bản chất sự việc là mối quan hệ vay mượn, chi lãi suất vượt trần giữa bị cáo Phạm Công Danh và nhóm bà Bích. Mối quan hệ này đã được Phạm Công Danh khai từ suốt quá trình điều tra, cũng như tại Tòa.

Tại tòa, bị cáo Danh khai rằng, có mối quan hệ vay mượn cá nhân với bà Bích liên quan đến số tiền trên, nhưng bà Bích lại khai rằng, chỉ có quan hệ vay mượn với Phạm Thị Trang (tức Trang Phố núi). Tuy nhiên, do Phạm Thị Trang đã xuất cảnh, nên chưa lấy được lời khai. Trong phần bào chữa cho bị cáo Danh, Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, hồ sơ vụ án cũng như quá trình xét hỏi tại Tòa, có bằng chứng cho thấy có quan hệ vay mượn giữa Phạm Công Danh và bà Trần Ngọc Bích, dù bà Bích và các cộng sự phủ nhận việc này.

Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử tách phần nội dung liên quan đến 5.490 tỷ đồng mà cáo trạng quy kết bị cáo Danh cố ý làm trái để giải quyết theo thủ tục dân sự. Từ lập luận trên, luật sư cho rằng, không có căn cứ để quy buộc khoản tiền 5.490 tỷ đồng là hậu quả hành vi cố ý làm trái của bị cáo Phạm Công Danh. Theo luật sư, liên quan 5.490 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích chỉ có 2 hướng tiếp cận.

Thứ nhất, nếu Phạm Công Danh có hành vi cố ý làm trái với khoản tiền 5.490 tỷ đồng thì nhóm bà Bích phải liên đới chịu trách nhiệm.

Thứ hai, nếu xác định nhóm Trần Ngọc Bích không có dấu hiệu đồng phạm thì bản chất là giao dịch giữa hai bên là giao dịch dân sự, không có yếu tố hình sự và VNCB không bị thiệt hại, vì hiện nay, VNCB vẫn đang nắm giữ 124 sổ tiết kiệm.

Trước đó, trong quá trình điều tra và xét hỏi tại Tòa, các bị cáo Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương cũng khai rằng, do tình hình thanh khoản của VNCB thời điểm đó rất căng thẳng, nên Phạm Công Danh đã phải chi lãi suất vượt trần để huy động người gửi tiền. Nhóm Trần Ngọc Bích là khách hàng lớn của VNCB, nhân viên kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh cũng khai đã chi cho nhóm Trần Ngọc Bích hơn 2.700 tỷ đồng và đây là tiền lãi ngoài. Nhưng tại Tòa, bà Trần Ngọc Bích giữ nguyên lời khai, chỉ quen biết và làm việc với Phạm Thị Trang, trong khi tại Tập đoàn Thiên Thanh vẫn còn lưu giữ nhiều hình ảnh về các buổi gặp gỡ giữa Phạm Công Danh và một số cá nhân của Công ty Tân Hiệp Phát, trong đó có bà Bích.

Mặt khác, bà Trần Ngọc Bích khai chỉ có quan hệ cho Phạm Thị Trang vay tiền, nhưng không có bất cứ chứng từ, tài liệu nào chứng minh. Hiện Viện kiểm sát đã yêu cầu truy tố trách nhiệm và xem xét khởi tố Phạm Thị Trang (còn gọi là Trang Phố Núi), người được cho là làm cầu nối trong việc kết nối cho vay 5.190 tỷ đồng giữa Trần Ngọc Bích và Phạm Công Danh.

Theo dự kiến ban đầu, phiên xử đại án VNCB sẽ kết thúc ngày 18/8/2016, tuy nhiên, do vẫn còn những nội dung cần phải làm rõ, nên phiên tòa chưa thể khép lại.                

Tin bài liên quan