Agribank bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền gần 2.500 tỷ đồng

Agribank bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền gần 2.500 tỷ đồng

Đại án tại Agribank, hóc búa nhất là thu hồi tiền thất thoát

(ĐTCK) Mấu chốt trong các vụ án hình sự kinh tế là việc khắc phục hậu quả thiệt hại. Bản án phúc thẩm đã chấp nhận một số nội dung kháng án của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), nhưng các đối tượng nước ngoài lừa đảo vẫn đang bỏ trốn, việc thu hồi hàng nghìn tỷ đồng thất thoát không hề đơn giản.

Thời điểm vụ việc bị phát hiện, 5 đối tượng nước ngoài vốn là cựu lãnh đạo Công ty Liên doanh Lifepro tạo lập hồ sơ vay vốn, chuyển nhượng thương hiệu “ma”, chiếm đoạt Agribank số tiền gần 2.500 tỷ đồng, đang bỏ trốn. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã có lệnh truy nã, nhưng đến nay chưa có kết quả.

Sau phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào cuối năm 2015, 17 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Agibank - Chi nhánh Nam Hà Nội đã có đơn kháng cáo, đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự và dân sự. Agribank cũng kháng án về phần dân sự. Trong đó, Ngân hàng đề nghị các doanh nghiệp đã vay phải trả nợ gốc và lãi đối với các khoản vay không có tài sản đảm bảo.

Bản án phúc thẩm tuyên ngày 27/12/2016 nhận định, theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Công ty Liên doanh Lifepro, Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam, Công ty cổ phần Vietmade đều là các tổ chức kinh tế hợp pháp, các giao dịch với Agribank đều nhân danh pháp nhân và đến nay vẫn đang hoạt động. Do đó, khi giải quyết việc trả nợ, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xác định, các công ty đều là bị đơn dân sự, có trách nhiệm hoàn trả khoản nợ đã vay của Agribank.

Cụ thể, Liên doanh Lifepro phải trả nợ gốc hơn 300 tỷ đồng, nợ lãi hơn 100 tỷ đồng, Công ty Vietmade có trách nhiệm trả nợ gốc hơn 66 tỷ đồng nợ gốc, nợ lãi hơn 22 tỷ đồng cho Agribank.

Hiện nay, cơ quan điều tra đã khởi tố các đối tượng nước ngoài bỏ trốn và chưa xác định được thiệt hại. Do đó, tòa án dành quyền dân sự cho Agribank đòi bồi thường khi xử lý hành vi chiếm đoạt đối với các đối tượng là người nước ngoài.

Ngoài ra, Agribank được quyền xử lý phát mại các tài sản để thu hồi nợ, gồm toàn bộ nguyên phụ liệu dệt may, thành phẩm, bán thành phẩm may mặc trong các kho xưởng; máy móc, thiết bị tại Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam; toàn bộ các hạng mục công trình kiến trúc, kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn liền với đất và một số hạng mục đầu tư, lắp đặt tại nhà máy: hệ thống xử lý nước thải, nhà biến áp, hệ thống dàn công nghệ gắn với máy móc tại các phân xưởng và một số tài sản văn phòng không nằm trong danh mục kiểm đếm, kiểm dịch.

Bản án phúc thẩm cũng tuyên, tiếp tục tạm giữ chiếc xe ô tô hiệu Bentley Continental Flying Spur (giá trị 3 tỷ đồng) và phong tỏa một số tài sản khoản của bị cáo Phạm Thị Bích Lương để đảm bảo thi hành án. Đồng thời, tuyên buộc các bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường, trong đó phân định theo vai trò, mức độ hành vi phạm tội: bị cáo Phạm Thị Bích Lương là 1.378 tỷ đồng, Chử Thị Kim Hiền 382 tỷ đồng, Phạm Thanh Tân 20 tỷ đồng...

Đối với số tiền 16 tỷ đồng bị cáo Lê Minh Hiếu (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam và Vietmade) đã hưởng lợi bất chính, sẽ bị tịch thu để hoàn trả cho Agribank.

Như vậy, trách nhiệm dân sự đã được tòa án giải quyết khá triệt để trong bản án phúc thẩm. Vấn đề hóc búa nhất là khả năng bồi thường của các bị cáo và doanh nghiệp đến đâu, cũng như giá trị tài sản vật chứng trong vụ án chỉ chiếm một phần nhỏ trong con số thất thoát. Trong khi đó, các đối tượng lừa đảo giữ vai trò chính hiện vẫn đang ngoài vòng pháp luật và số tiền 80 triệu USD trong tài khoản của nhóm đối tượng này tại nước ngoài chưa thể thu hồi (đây là số tiền Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội đã giải ngân để mua 6 thương hiệu liên quan đến vụ án).      

Hội đồng xét xử kiến nghị một số cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Cục Thuế... cần có sự phối hợp để kịp thời xử lý vi phạm đối với các công ty để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính, ngăn chặn hành vi lừa đảo của các công ty nhằm chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Tin bài liên quan