Ảnh Internet

Ảnh Internet

Đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2: Hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành trái quy định

(ĐTCK) Trong khi các doanh nghiệp luôn kêu khó phát hành trái phiếu, thì một công ty do Phạm Công Danh lập ra, người đại diện theo pháp luật là một nhân viên lái xe đã dễ dàng phát hành trái phiếu với tổng giá trị là 1.200 tỷ đồng.

Bản Kết luận điều tra vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 cho thấy, để có thể rút tiền của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) sử dụng cho nhiều mục đích, bị can Phạm Công Danh đã dùng nhiều pháp nhân vay tiền ở 3 ngân hàng và bảo lãnh bằng tiền gửi của VNCB. Việc này gây ra khoản thiệt hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB.

Trong đó, ông Danh đã sử dụng 11 pháp nhân vay tiền một ngân hàng. Mục đích 11 công ty này vay tiền ngân hàng là để mua trái phiếu do Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung phát hành. Tài sản bảo đảm chính là trái phiếu và bảo lãnh bằng tiền gửi của VNCB tại ngân hàng.

Kết quả điều tra cho thấy, 2 công ty này phát hành trái phiếu quá dễ dàng.

Theo đó, Công ty Trung Dung thành lập năm 2010, vốn điều lệ 250 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Văn Bình -vốn là một lái xe. Thực chất công ty do ông Danh điều hành.

Tháng 11/2013, Công ty Trung Dung có Bản công bố thông tin phát hành trái phiếu với tổng giá trị là 1.200 tỷ đồng, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lãi suất thả nổi. Số tiền thu được dùng để tài trợ, xây dựng công trình Khu căn hộ cao cấp nằm trong Dự án Khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). Có 4 công ty đã mua 600 trái phiếu, tương đương 600 tỷ đồng.

Tháng 4/2012, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Thiên Thanh ban hành Nghị quyết về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tổng số trái phiếu phát hành là 2.500 tỷ đồng, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, chia thành 7 đợt phát hành, lãi suất 12%/năm. Số tiền thu được sử dụng cho Dự án Khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng. Có 7 công ty đã mua 1.000 trái phiếu.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, cả hai công ty này đã phát hành trái phiếu khi chưa đáp ứng đủ các quy định của pháp luật.

Dự án Khu phức hợp Thiên Thanh Đà Nẵng và Dự án Khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng đều chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Toàn bộ tiền huy động vốn thực hiện dự án trên không được đưa vào sử dụng như trong phương án phát hành trái phiếu, mà được sử dụng vào nhiều mục đích khác.

Việc phát hành trái phiếu cũng không đáp ứng quy định phải có Báo cáo tài chính được kiểm toán có lãi của năm trước đó (2012). Việc này đã vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định số 90/NĐ-CP của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong báo cáo quyết toán thuế của Tập đoàn Thiên Thanh năm 2012 và 2013 đều không hạch toán khoản nợ phải trả từ việc phát hành trái phiếu này.

Sau khi có thông báo phát hành trái phiếu, 11 công ty nói trên đã ký hợp đồng mua bán trái phiếu trực tiếp với Tập đoàn Thiên Thanh hoặc ủy thác đầu tư qua Quỹ Lộc Việt.

Thực chất, các công ty này do ông Danh mượn tư cách pháp nhân để sử dụng vay vốn ngân hàng. Sau khi được giải ngân 1.666,8 tỷ đồng, bị can Phạm Công Danh dùng tiền này để trả nợ vay nhóm Phú Mỹ (bà Hứa Thị Phấn), trả lương cán bộ Tập đoàn Thiên Thanh, trả lãi tiền vay cho các công ty của ông Danh...

Riêng vụ việc này đã gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.

Với hành vi nêu trên, cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng, có đủ căn cứ xác định hành vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã phạm vào tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọn và đề nghị truy tố các bị can theo tội danh trên.

Tin bài liên quan