Luật sư Hoàng Huy Được tranh luận tại tòa.

Luật sư Hoàng Huy Được tranh luận tại tòa.

Đại án Oceanbank: “Phạt hành chính cũng đủ các bị cáo nhớ đời”

(ĐTCK) “Hầu hết các tổ chức tín dụng huy động vượt trần nhưng chỉ bị xử lý hành chính. Nhưng những bị cáo đứng đây phải chịu trách nhiệm hình sự. Chúng tôi đề nghị xử lý các bị cáo về mặt hành chính. Việc xử lý như thế cũng đủ để các bị cáo nhớ đời”, luật sư Được đề nghị.

Sáng 16/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm tập trung tranh luận về tội danh, hình phạt của lãnh đạo cấp trung và giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch.

Luật sư Hoàng Huy Được viện dẫn nội dung Thông tư 02/2011 củ Ngân hàng Nhà nước và Văn bản 4605/NHNN-CHTT ngày 16/6/2011 của Ngân hàng Nhà nước. Cả hai văn bản này có mẫu số chung là nếu vi phạm trần lãi suất bị xử phạt theo chế tài hành chính.

“Hầu hết các tổ chức tín dụng huy động vượt trần nhưng chỉ bị xử lý hành chính. Nhưng những bị cáo đứng đây phải chịu trách nhiệm hình sự. Chúng tôi đề nghị xử lý các bị cáo về mặt hành chính. Việc xử lý như thế cũng đủ để các bị cáo nhớ đời”, luật sư Được đề nghị.

Phân tích số tiền thiệt hại 1.576 tỷ đồng, theo luật sư Hoàng Huy Được, trong đó có những khoản tiền chưa được xác định có vượt trần không.

Cụ thể, trong khoản tiền 1.022 tỷ đồng có 598,6 tỷ đồng được sử dụng để chi lãi ngoài, chuyển cho đầu mối là Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Phó giám đốc Khối Khách hàng lớn và đối tác chiến lược Oceanbank) và Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank). Số tiền 424,2 tỷ đồng còn lại do một số cá nhân sử dụng và không xác định được mục đích sử dụng. Trong đó, bị cáo Hà Văn Thắm nhận và sử dụng cá nhân 271,4 tỷ đồng.

Số tiền 66,4 tỷ đồng được chuyển thẳng cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại các chi nhánh. Trong đó, có 66,3 tỷ đồng là chi vượt trần lãi suất, còn lại 19,3 triệu đồng chưa vượt trần, nhưng không có hóa đơn.

Còn khoản 475,6 tỷ đồng chuyển cho các chi nhánh, phòng giao dịch và khối khách hàng doanh nghiệp để chi lãi ngoài huy động vốn. Trong đó, có 41,5 tỷ đồng chưa vượt trần.

Theo luật sư, những khoản chi không vượt trần thì không xác định các bị cáo làm trái và phải được giảm trừ.

Luật sư cũng lập luận, cáo trạng quy kết bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Kế toán trưởng, Giám đốc khối Tài chính kế hoạch làm trái quy định tại Nghị định số 146/2005/NĐ-CP, Thông tư số 12/2006/TT-BTC, Nghị định số 57/2013-TT-BTC về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng. Trong số tiền quy buộc bị cáo Nga đồng phạm về hành vi cố ý làm trái và phải chịu trách nhiệm 175 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong số tiền trên có 66 tỷ đồng được hoàn tất từ năm 2011. Mặt khác, cơ quan tố tụng sử dụng văn bản có hiệu lực sau (Nghị định 57 hiệu lực tháng 7/2012) để điều chỉnh hành vi có trước là không phù hợp.

“Số tiền 109 tỷ đồng còn lại, chúng tôi mở thùng tài liệu số 8, tìm kiếm hồ sơ nhưng tài liệu không có chữ ký của bị cáo Nga. Đồng nghĩa là bị cáo không phê duyệt, không thể hiện ý chí chủ quan”, luật sư Được lập luận.  

Một số luật sư cũng đề cập xem xét lại việc quy buộc trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch.

Luật sư Nguyễn Toàn cho rằng, sau khi Oceanbank bị mua lại với giá 0 đồng, ngân hàng phải chi phí bao nhiêu tiền khắc phục thiệt hại cho rằng các bị cáo gây ra. Còn đại diện Oceanbank chỉ xác định tư cách nguyên đơn dân sự, không xác định bỏ ra những gì để khắc phục.

Luật sư Hoàng Huy Được đề nghị xem xét rút lại việc quy buộc bị cáo Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Hoài Nam liên đới chịu trách nhiệm bồi thường dân sự.

Tin bài liên quan