Nguyên một số lãnh đạo OceanBank sắp phải ra hầu tòa

Nguyên một số lãnh đạo OceanBank sắp phải ra hầu tòa

Đại án OceanBank: Hơn 1.500 tỷ đồng “chăm sóc khách hàng”

(ĐTCK) Bắt đầu từ ngày 27/2/2007, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank). Tâm điểm vụ đại án là việc thu phí và chi lãi ngoài hàng nghìn tỷ đồng “chăm sóc khách hàng”.

48 bị cáo hầu tòa với các tội danh: cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cơ quan điều tra chỉ ra rằng, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank, xảy ra nhiều vi phạm cho vay, lợi dụng chức vụ.

Mặc dù hoạt động kinh doanh thua lỗ đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng cáo trạng truy tố phần nào chỉ ra sai phạm của các bị cáo dẫn đến thiệt hại của OceanBank.

Tiền thân của OceanBank là Ngân hàng nông thôn Hải Hưng (Hải Dương), vốn điều lệ 300 triệu đồng. Năm 2004, OceanBank bắt đầu bước phát triển với lộ trình tăng vốn lên 5,1 tỷ đồng, 8,8 tỷ đồng, đặc biệt năm 2006 là 170 tỷ đồng. Năm 2007, OceanBank chuyển đổi mô hình hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần, tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng.

Cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của OceanBank. Theo báo cáo tài chính năm 2008, tổng tài sản OceanBank là 14.091 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 13.013 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần 64,8 tỷ đồng.

OceanBank gặp khó khăn trong việc huy động vốn, nguồn vốn huy động của OceanBank phụ thuộc phần lớn vào số dư tiền gửi của PVN, các tổng công ty và công ty con thuộc PVN.

Đầu năm 2009, Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam - PVFC, Tổng giám đốc OceanBank) chủ động đề nghị Hà Văn Thắm 2 vấn đề. Đó là để huy động vốn từ PVN, OceanBank cần chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” và giao cho Sơn toàn quyền quyết định chi phí giải quyết. Hà Văn Thắm tính toán mức chi thêm này sẽ khoảng trên dưới 1%/năm nên đã chấp nhận đề nghị trên để OceanBank thu hút được nguồn tiền gửi của nhóm khách hàng PVN.

Nguồn chi này được lấy từ đâu? Hà Văn Thắm đã sử dụng Công ty cổ phần BSC Việt Nam (công ty “sân sau” của Thắm thành lập năm 2008) để thu phí làm dịch vụ đối với khách hàng vay vốn tại OceanBank. Tuy nhiên, số tiền thu phí trong giai đoạn từ ngày 22/5/2009 đến ngày 31/1/2012 chỉ có 68,9 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền được chi cho Nguyễn Xuân Sơn.

Khoản thu trên thực tế là không đáng kể so với số tiền OceanBank phải chi lãi ngoài hợp đồng huy động tiền gửi. Theo cáo trạng, các bị cáo chi lãi ngoài lên đến hơn 1.500 tỷ đồng. Việc hạch toán số tiền này thể hiện vào tài khoản chi phí trả lãi, không có chứng từ là 988,3 tỷ đồng; tiền tạm ứng, nhưng chưa hoàn ứng là 331 tỷ đồng và tiền mặt 256 tỷ đồng.

Khoản chi lãi ngoài lớn đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của OceanBank, dù nguồn vốn huy động tăng, tổng tài sản tăng.

Cụ thể, năm 2011, tổng tài sản OceanBank là 62.639 tỷ đồng (trong đó, vốn chủ sở hữu 4.644 tỷ đồng), năm 2012 tăng lên 64.462 tỷ đồng, năm 2013 là 67.075 tỷ đồng. Lần lượt theo các năm, nguồn vốn huy động cũng tăng, năm 2011 là 57.377 tỷ đồng, năm 2012 là 59.398 tỷ đồng, năm 2013 là 62.067 tỷ đồng. Nhưng trái lại, tổng doanh thu có chiều hướng giảm.

Năm 2011, Ngân hàng ghi nhận doanh thu 6.694 tỷ đồng, năm 2012 là 6.703 tỷ đồng, năm 2013 là 5.792 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm, năm 2011 là 487 tỷ đồng, năm 2012 là 243 tỷ đồng, năm 2013 là 188 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn từ 11,74% năm 2011 giảm còn 9,23% vào năm 2013. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,08% năm 2011 lên 2,97% năm 2013.

Tính đến thời điểm ngày 31/3/2014, OceanBank ghi nhận con số nợ xấu là 14.923 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống; lợi nhuận trước thuế âm 10.188 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần).

Tin bài liên quan