Sau khi tái cơ cấu, Oceanbank hiện đã mang diện mạo mới

Sau khi tái cơ cấu, Oceanbank hiện đã mang diện mạo mới

“Đại án” Oceanbank: Chi lãi ngoài 1.576 tỷ đồng, thu hồi... 3 tỷ đồng

(ĐTCK) Cơ quan điều tra xác định, có 51.468 cá nhân, 392 công ty gửi tiền và nhận lãi ngoài của Oceanbank, nhưng chỉ 19 công ty thừa nhận việc nhận lãi ngoài và nộp lại tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Viện kiểm sát nhân dân Tối cao mới đây đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Hà Văn Thắm (sinh năm 1972, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) và 47 đồng phạm trong “đại án” tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). 

Dựng chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc “bù nhìn”

Theo cáo trạng, từ năm 2009, Hà Văn Thắm đã cấu kết với Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1962, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) thu phí ngoài của khách hàng vay vốn và khách hàng mua ngoại tệ tại Oceanbank thông qua CTCP BSC Việt Nam.

Đối với khách hàng vay vốn, có tài sản đảm bảo và giấy tờ pháp lý, nhưng không đủ điều kiện, Thắm chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng mua các tài sản này có kỳ hạn, dùng tài sản để lập phương án vay vốn. Hành vi của các bị can gây thiệt hại cho Oceanbank và khách hàng số tiền 68,9 tỷ đồng.

Theo kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước, 721 hợp đồng dịch vụ khống gây thiệt hại 50 tỷ đồng. Đối với 80 hợp đồng mua bán bất động sản có kỳ hạn (repo), BSC Việt Nam thu của khách hàng 18,8 tỷ đồng chưa đủ căn cứ giám định. Tuy nhiên, tài liệu điều tra có cơ sở xác định BSC Việt Nam là công ty của Thắm.

Việc Oceanbank cho BSC Việt Nam vay vốn, giải ngân cho khách hàng không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng được hợp thức bằng hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, tài sản có kỳ hạn 18,8 tỷ đồng là trái quy chế cho vay. Hà Văn Thắm thừa nhận, đây là hoạt động tín dụng được biến tướng thông qua việc cho BSC Việt Nam vay.

Số tiền từ nguồn thu phí ngoài được chi trả cho Nguyễn Xuân Sơn thể hiện qua chứng từ, sổ sách. Trên thực tế, BSC Việt Nam chi cho Sơn số tiền 69,3 tỷ đồng (vượt quá số tiền thu được).

Cơ quan tố tụng xác định, bị can Hà Văn Thắm phải chịu trách nhiệm chính và liên đới với các bị can khác về số tiền 1.576 tỷ đồng do Oceanbank chi lãi ngoài, đồng thời phải chịu trách nhiệm trực tiếp về số tiền 278,9 tỷ đồng sử dụng cá nhân. Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung và thẩm định lại, bị can Thắm được giảm trừ số tiền 170 tỷ đồng.

Trách nhiệm của các bị can được chỉ rõ tại cáo trạng. Cụ thể, Hà Văn Thắm tiếp nhận ý kiến của Nguyễn Xuân Sơn chi thêm phí “chăm sóc khách hàng”, giao cho Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng Oceabank) triển khai, Lê Thị Minh Nguyệt theo dõi việc thu phí và chi cho Sơn. Đồng thời, chỉ đạo việc bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang, Phó trưởng Ban Pháp chế Oceabank làm Tổng giám đốc BSC Việt Nam thực hiện việc ký hợp đồng dịch vụ thu phí khách hàng.

Lời khai của Phạm Hoàng Giang cho thấy, chức danh Tổng giám đốc BSC Việt Nam thực chất chỉ là “bù nhìn”. Khi đó, BSC Việt Nam chỉ có 5 nhân sự. Năm 2009, Giang được Thắm tuyển dụng làm Phó trưởng Ban Pháp chế Oceanbank, sau đó trở thành Tổng giám đốc BSC Việt Nam với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Giang chỉ có nhiệm vụ ký các hợp đồng đã soạn sẵn do cán bộ ở các đơn vị kinh doanh thuộc Oceanbank dự thảo. Bị can không cần gặp gỡ, tiếp xúc, đàm phán với khách hàng.

Tương tự là vị trí Chủ tịch HĐQT tại BSC Việt Nam của Hoàng Thị Hồng Tử. Bị can này tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, được Thắm tuyển dụng vào Oceanbank làm giúp việc văn phòng cho HĐQT, không có trình độ chuyên môn, ngân hàng.

Tử được Thắm nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT của BSC Việt Nam, nhưng không có vốn góp, không được điều hành, không hưởng lương. Trong quá trình điều tra, do Hoàng Thị Hồng Tử thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác, nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự. 

51.468 cá nhân, 392 công ty nhận lãi ngoài

Cuối năm 2010, Nguyễn Xuân Sơn được điều chuyển, bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Sơn đề nghị Thắm giao cho Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) tiếp tục phụ trách huy động vốn.

Do nguồn vốn huy động của Oceanbank phụ thuộc phần lớn vào số dư tiền gửi của PVN, các tổng công ty và công ty con thuộc PVN, Thắm đã đồng ý với kế hoạch này. Thắm chủ trương chi lãi suất huy động vốn ngoài hợp đồng cho các khách hàng trên toàn hệ thống Oceanbank.

Cơ quan tố tụng xác định, bị can Hà Văn Thắm phải chịu trách nhiệm chính và liên đới với các bị can khác về số tiền 1.576 tỷ đồng do Oceanbank chi lãi ngoài, đồng thời phải chịu trách nhiệm trực tiếp về số tiền 278,9 tỷ đồng sử dụng cá nhân. Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung và thẩm định lại, bị can Thắm được giảm trừ số tiền 170 tỷ đồng.

Theo thống kê có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận tiền chi lãi ngoài.

Kết quả điều tra làm rõ, bị can Nguyễn Xuân Sơn hưởng lợi số tiền 246 tỷ đồng. Những lần nhận tiền thông qua Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Phó giám đốc Khối Khách hàng lớn và đối tác chiến lược, cháu ruột Sơn). Ban đầu, Sơn khai nhận sử dụng khoản tiền 10 tỷ đồng để mua đất cho ông Đỗ Văn Hậu, nguyên Tổng giám đốc PVN, song ông Hậu không nhận, còn khoản tiền 20 tỷ đồng chi cho Võ Việt Trung, Phó tổng giám đốc Oceabank phụ trách phía Nam.

Bị can Sơn khai, vì thời gian đó có dự định mua nhà, nên Sơn nói với Thắm chuyển số tiền 900.000 USD cho Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Thái Dương để mua. Tuy nhiên, do giá nhà cao, nên Sơn cầm về và chi tiêu cá nhân.

Trong quá trình điều tra, Nguyễn Xuân Sơn thay đổi lời khai, phủ nhận việc nhận khoản tiền trên. Nhưng lời khai của những người liên quan và chứng từ kế toán thu được về hành vi phạm tội của Sơn là khách quan. Do đó, bị can Sơn phải liên đới chịu trách nhiệm số tiền chi vượt trần 544 tỷ đồng, chịu trách nhiệm về số tiền hưởng lợi 246 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, 34 bị can là giám đốc các chi nhánh/phòng giao dịch trực tiếp hoặc/và phân công, chỉ đạo các phó giám đốc, nhân viên thực hiện nhận tiền do Hội sở chuyển về để chi trả lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm cho khách hàng. Các bị can đều nhận thức được rằng, chủ trương chi lãi ngoài là trái quy định, nhưng do Hội sở chỉ đạo nên phải thực hiện.

Theo thống kê có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận tiền chi lãi ngoài. Các khoản tiền này xuất phát từ hành vi sai phạm của Hà Văn Thắm và đồng phạm. Trong đó, có nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn nhà nước (chủ yếu là nhóm khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam), có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên ngân hàng để hưởng lợi.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã có công văn gửi đến 392 tổ chức kinh tế gửi tiền trong giai đoạn từ năm 2011-2014 yêu cầu giải trình. Đến nay, có 143 công ty có văn bản trả lời, trong đó có 19 công ty công nhận việc nhận lãi ngoài và đã nộp lại tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Đối với 227 giám đốc phòng giao dịch, phó giám đốc, nhân viên tiếp nhận chủ trương thu lãi ngoài, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, theo đánh giá của cơ quan điều tra, các đối tượng này đều là cấp dưới thực hiện chỉ đạo từ cấp trên, trong khi những đối tượng giữ vai trò chính trong vụ án đã bị bắt giữ. Nếu xử lý toàn bộ số đối tượng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống của Oceanbank trong giai đoạn tái cơ cấu. Do đó, những đối tượng này được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn bị xử lý nghiêm về hành chính và liên đới bồi thường một phần thiệt hại. 

Mở rộng vụ án, ngày 13/10/2016, cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam đối với Trần Đức Chính, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) về tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty con, cơ quan điều tra làm rõ hành vi nhận tiền chi lãi ngoài của Sơn để xử lý trong vụ án này, số còn lại đang tiếp tục làm rõ.

Hiện tại, cơ quan điều tra đã thu giữ được 64,6 tỷ đồng và 341.100 USD, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, các văn phòng đăng ký quyền sử đụng đất và cơ quan liên quan phong tỏa nhiều tài khoản tiền gửi, cổ phiếu, kê biên bất động sản... đảm bảo thi hành án.

Trong số 19 công ty đã nộp lại tiền có CTCP Dịch vụ dầu khí biển Việt Nam, CTCP Âu Việt, CTCP Đầu tư phát triển Gia Định, CTCP Đại An Sài Gòn, CTCP Sản xuất dịch vụ Tân Bình, CTCP Đầu tư khu công nghiệp dầu khí IDICO Long Sơn, Tổng CTCP Bưu chính Viettel, CTCP Cơ khí và lắp máy Việt Nam, CTCP Xăng dầu dầu khí, CTCP Đường Quảng Ngãi, CTCP Thương mại dịch vụ dầu khí miền Trung, Công ty liên doanh Sản xuất thép Vinausteel (Thép Việt Úc)...

Tin bài liên quan