Phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và 47 bị cáo xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) đang xoay quanh hành vi chi lãi ngoài nhằm huy động vốn hợp đồng tiền gửi với số tiền lên đến 1.500 tỷ đồng.
Nguyên chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm thừa nhận đã đề ra chủ trương, chỉ đạo chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi trên toàn hệ thống từ năm 2009. Tiếp nhận chủ trương trên, Nguyễn Minh Thu - nguyên Tổng giám đốc, Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Minh Phương - Phó tổng giám đốc đã chỉ đạo lãnh đạo các khối/ban nghiệp vụ hội sở và giám đốc các chi nhánh/phòng giao dịch thực hiện.
Bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank) khai nhận trước tòa ngày 3/3/2017, nguồn tiền để chi lãi ngoài được lấy từ tiền cá nhân bị cáo, Công ty cổ phần BSC, tiền tạm ứng... Trong đó số tiền của cá nhân bị cáo khoảng 6 - 7 tỷ đồng, BSC là 68 tỷ đồng.
Lời khai của các bị cáo tại tòa thể hiện, với việc chi lãi ngoài, OceanBank không yêu cầu khách hàng phải ký nhận.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu đã có lời khai rất rõ về việc chi lãi ngoài cho các cá nhân cụ thể tại các tổ chức kinh tế bị cáo quản lý. Cụ thể, từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2014, bị cáo Thu nhận 125,6 tỷ đồng chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng. Trong đó có 114,4 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và 11,1 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn.
Bị cáo trực tiếp nhận và chi trả 48,3 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn cho các khách hàng là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro (VSP) và khoản tiền gửi có kỳ hạn của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Trong đó, PVOil nhận 15,7 tỷ đồng; VSP 22,7 tỷ đồng; BSR 19,3 tỷ đồng. Tại Vietsovpetro, bị cáo chuyển 70% số tiền này cho kế toán trưởng, 30% cho tổng giám đốc. Tại PVOil, tổng giám đốc và kế toán trưởng nhận theo tỷ lệ 50%. Còn BSR, chủ tịch, tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng nhận theo yêu cầu.
PVOil đã cử đại diện ủy quyền đến tòa. Theo người đại diện ủy quyền, PVOil nhận được công văn của cơ quan điều tra và đã rà soát hệ thống tài khoản. PVOil khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào từ Nguyễn Minh Thu và OceanBank. PVOil cũng mời các cán bộ cũ về hỏi nhưng họ khẳng định không nhận tiền.
Người đại diện cũng cho rằng, PVOil có 3 hợp đồng tiền gửi tại OceanBank, ngoài ra phát sinh một số lãi không kỳ hạn, tuy nhiên, số dư trong tài khoản tại thời điểm cao nhất không nhiều. Công ty cho biết đã gửi bảng kê cụ thể đến tòa.
Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc OceanBank, Phó tổng giám đốc PVN) nhận 246 tỷ đồng (gồm 2,5 triệu USD và 700.000 EUR) tiền OceanBank chi lãi ngoài huy động vốn. Số tiền này, bị cáo Sơn khai trích 60% chuyển cho ông Ninh Văn Quỳnh (kế toán trưởng PVN). Ông Quỳnh phản bác lời khai trên, khẳng định bản thân không nhận bất cứ khoản tiền nào từ OceanBank và Nguyễn Xuân Sơn.
Hội đồng xét xử chất vấn, PVN là một tập đoàn lớn, có thời điểm tiền gửi lên đến 11.000 tỷ đồng, tại sao nhiều doanh nghiệp khác gửi vài tỷ đồng đều nhận lãi ngoài nhưng PVN không được nhận? Ông Quỳnh nói: “Qua phương tiện truyền thông về vụ án Huyền Như, chúng tôi kịp thời nhắc nhở thận trọng hợp đồng tiền gửi tránh để ngân hàng”.
Một số doanh nghiệp khác mà cáo trạng thể hiện nhận lãi ngoài như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) 105 tỷ đồng; Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) 76,5 tỷ đồng; Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) 8,3 tỷ đồng; Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên (PVIs) 19,9 tỷ đồng; Tổng công ty Vận tải Dầu khí 7,9 tỷ đồng... Tuy nhiên, đại diện của PVEP, Vinashin, PVC đều khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào ngoài tiền lãi ghi trên hợp đồng.
Quá trình điều tra và một số lời khai tại tòa cho thấy, một số doanh nghiệp khác nhận lãi ngoài từ OceanBank và đã trả lại.
Số tiền 1.500 tỷ đồng được coi là khoản thiệt hại OceanBank đang phải gánh chịu, nhưng việc thu hồi số tiền này gặp rất nhiều khó khăn khi những doanh nghiệp lớn mà các bị cáo khai nhận thì nay đã “chối bỏ”.