Cựu Chủ tịch ALCII, án tử chưa phải hồi kết

(ĐTCK) Đang chấp hành án tử hình, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc ALCII tiếp tục phải hầu tòa về hành vi tham ô khoản tiền 75 tỷ đồng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cựu Chủ tịch ALCII, án tử chưa phải hồi kết

Ngày 25/11/2015, TAND TP. HCM bắt đầu đưa ra xét xử hai bị cáo là Vũ Quốc Hảo (SN 1955 tại Ninh Bình, trú ở quận 7, TP. HCM) và Đặng Văn Hai (SN 1957, ở quận 1, TP. HCM) can tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ án này, Hảo được xác định là người chủ mưu. 

Lập hợp đồng khống, tham ô hàng chục tỷ đồng

Công ty Cho thuê tài chính II (viết tắt là ALCII) là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Vũ Quốc Hảo giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ALCII từ tháng 1/2006 đến tháng 10/2009.

Vào thời điểm cuối năm 2007 đầu năm 2008, thông qua việc cung ứng tàu biển cho Công ty ALCII, Vũ Quốc Hảo có mối quan hệ thân thiết với Lê Đoàn Tám, Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Đại Dương, Hải Phòng và Lê Văn Phong, Tổng giám đốc CTCP Hàm Rồng. Hải nhiều lần vay tiền của Lê Đoàn Tám với tổng số tiền 60 tỷ đồng. Số tiền trên, Hảo chuyển cho Lê Văn Phong để đầu tư Dự án chung cư và nhà đất. Đến năm 2009, hai bên thỏa thuận nợ gốc và lãi là 75 tỷ đồng.

Lợi dụng chức vụ và quyền hạn, Hảo đã bàn với Đặng Văn Hai (khi đó là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh) ký khống Hợp đồng mua bán số 030/09 để rút tiền của ALCII để trả nợ cho Lê Đoàn Tám. Thực hiện hợp đồng trên, từ ngày 20/4/2009 đến ngày 25/8/2009, Hảo đã duyệt chi chuyển tiền thanh toán 120 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Quang Vinh.

Sau khi giải ngân khoản tiền trên, Hảo thông báo cho Tám đến nhận số tiền 75 tỷ đồng trả nợ vay. Ngoài hành vi giúp sức cho Hảo chiếm đoạt tiền của ALCII, bản thân Hai cũng chiếm đoạt số tiền 42,4 tỷ đồng trong đó. Tổng số tiền cả hai bị cáo chiếm đoạt ở hợp đồng này là 117,45 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã kê biên khu căn hộ Tường An tại địa chỉ số 88/10 khu phố Đông Nhì, phường Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương của bị can Hảo để đảm bảo thi hành án. 

Năm 2014, Vũ Quốc Hảo bị xử phạt tử hình về tội tham ô tài sản trong vụ án xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II và CTCP Cát Long Hải. Bản án ngày 8/4/2015, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên y án tử hình. Tháng 7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố Hảo về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước xảy ra tại Công ty Công nghiệp biển Hải Phòng và Công ty ALCII. 

Ngoài ra, lợi dụng danh nghĩa Tổng giám đốc ALCII, Hảo bán trái phép tài sản của Công ty là 22 chiếc xe ô tô để “đút túi” 4,9 tỷ đồng. Trong tội danh tham ô tài sản, Hảo bị truy tố về hành vi chiếm đoạt tổng số tiền 79,9 tỷ đồng.

Một số cán bộ của ALCII như cựu Phó tổng giám đốc, Phó phòng Kế toán có tham gia biểu quyết cho thuê, ký hợp đồng cho thuê, giải ngân cho hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định họ không được tham gia bàn bạc, không được ăn chia hưởng lợi cá nhân. Do đó, việc không truy tố những người này đồng phạm với Hảo và Hai là có căn cứ. 

Làm trái quy định Nhà nước, gây thiệt hại gần 330 tỷ đồng

Theo bản cáo trạng, quá trình điều hành ALCII, Vũ Quốc Hảo đã để phát sinh thua lỗ dẫn đến việc cổ phần hóa Công ty gặp khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên và tránh bị thanh, kiểm tra, Hảo đưa ra chủ trương cho các cán bộ cấp dưới bàn bạc thống nhất với giám đốc các DN có thuê tài chính tại ALCII để ký các hợp đồng thuê tài chính, mua bán tài sản với mục đích tạo doanh thu tài chính tại ACLII, đồng thời sử dụng tiền của ACLII để thanh toán cho các khoản nợ xấu tại ACLII.

Thực hiện chủ trương sai trái, Hảo tiếp tục bàn bạc với Hai ký và thực hiện 7 hợp đồng cho thuê tài sản, mua bán tài sản (cung ứng) để ALCII giải ngân tiền trái quy định số tiền 501,8 tỷ đồng. Trong số tiền này, Hảo đã sử dụng gần 200 tỷ đồng để xử lý nợ xấu tại ALCII, chuyển cho công ty khác vay 256,603 tỷ đồng. Còn lại số tiền gần 46 tỷ đồng, Hai sử dụng cho hoạt động của Công ty Quang Vinh. Kết luận giám định xác định thiệt hại đối với 7 hợp đồng trên là 329,593 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, hành vi của hai bị cáo là trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định 16/2001 của Chính phủ về hướng dẫn một số nội dung về hoạt động của công ty cho thuê tài chính, Thông tư 05/2006 ngày 25/7/2006 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho thuê tài chính.

Dự kiến, phiên tòa này sẽ kéo dài đến ngày 30/11/2015.

Tin bài liên quan