Bị cáo Nguyễn Thị Toàn tại tòa

Bị cáo Nguyễn Thị Toàn tại tòa

Có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế vụ đại gia ngành thép

(ĐTCK) Qua nhiều cấp tòa, vụ việc vay nợ giữa Tổng giám đốc CTCP Kim khí Hưng Yên (Công ty Kim khí) và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp (Công ty Cán thép) tiếp tục cần xem xét lại do có dấu hiệu oan sai, hình sự hóa quan hệ dân sự.

Sáng 11/10/2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ án Nguyễn Thị Toàn (nguyên Tổng giám đốc Công ty Kim khí kiêm chủ nhiệm Hợp tác xã công nghiệp Toàn Diện) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vụ án có nhiều tình tiết liên quan đến hợp đồng vay mượn cá nhân, pháp nhân nhưng không được phân định rõ ràng. Việc chứng minh bị cáo gian dối chiếm đoạt tài sản cũng chưa được làm sáng tỏ. 

Nữ giám đốc vướng lao lý 

Giữa Công ty Kim khí và Công ty Cán thép do ông Đặng Lê Hoa, Chủ tịch Hội đồng thành viên đại diện vốn có quan hệ kinh tế. Năm 2007, Công ty Kim khí chuyển giao chủ sở hữu, bên bán do ông Lê Văn Dũng (đại diện), bên mua là Hợp tác xã công nghiệp Toàn Diện, do bà Toàn là đại diện.

Ngày 6/4/2007, ông Lê Văn Dũng ký hợp đồng chuyển nhượng 5.000 cổ phần chiến lược tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho bà Toàn, trị giá 35 tỷ đồng. Điều kiện kèm theo là bên mua phải thanh toán khoản nợ 7 tỷ đồng tiền gốc và lãi để giải tỏa cho tài sản thế chấp.

Đầu năm 2008, bà Toàn gọi điện hỏi vay ông Hoa số tiền 18,9 tỷ đồng; lãi suất 1%/tháng. Hai bên thống nhất gộp số tiền 20,1 tỷ đồng mà Công ty Kim khí còn nợ Trung tâm Dịch vụ thương nghiệp xây lắp Thái Nguyên và Công ty Cán thép Tam Điệp (gồm nợ cũ, nợ vay ngày 27/12/2007) thành giấy nhận nợ mới là 50 tỷ đồng.

Ngày 18/1/2008, ông Hoa và bà Toàn lập Biên bản thỏa thuận và giấy xác nhận vay tiền. Một tháng sau, ông Hoa thông báo tăng lãi suất lên 1,2% tháng. Đến ngày 6/6/2008,  bà Toàn trả số tiền 10,3 tỷ đồng tiền gốc và lãi cho Trung tâm Dịch vụ thương nghiệp và xây lắp Thái Nguyên.

Sau nhiều lần đòi nợ bất thành, ông Hoa khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên yêu cầu bà Toàn trả lại số tiền 40 tỷ đồng. Nguyễn Thị Toàn phản tố cho rằng, từ tháng 4 – 12/2007, Công ty Cán thép Tam Điệp còn nợ Công ty Kim khí 2.947 tấn phôi thép trị giá 26,6 tỷ đồng. Bà Toàn đề nghị bù trừ vào món nợ vay của ông Hoa. Không chấp nhận đề nghị trên, ông Hoa đã yêu cầu tách khoản nợ 40 tỷ đồng thành 2 phần là số nợ cũ 21 tỷ đồng giải quyết theo dân sự, còn số tiền vay cá nhân 18,9 tỷ đồng đề nghị cơ quan điều tra xử lý hình sự.

Bị cáo Nguyễn Thị Toàn cho rằng, việc không trả nợ còn liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu với ông Lê Văn Dũng. Căn cứ là “biên bản làm việc” đề ngày 6/4/2007 về công nợ ba bên giữa Công ty Kim khí, Trung tâm Dịch vụ thương nghiệp xây lắp và Công ty Cán thép Tam Điệp, có nội dung “nhận nợ với điều kiện tôi (bà Toàn - PV) và ông Dũng thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu ký ngày 6/4/2007” và “Sau ngày 31/6/2008, anh Dũng không thực hiện cam kết cổ phần, cổ phiếu, tôi có quyền dùng số phôi thép giao nhận sau ngày 6/4/2007 để bù trừ công nợ giữa tôi và ông Hoa tại mọi thời điểm”.

Bản án sơ thẩm kết tội bị cáo mức án 15 năm tù trên cơ sở là biên bản ngày 6/4/2007 đã bị bà Toàn thêm thắt nội dung, phiếu thu tiền là giả. Bị cáo cũng đổ lỗi cho ông Dũng vi phạm hợp đồng để không thanh toán số tiền 7 tỷ đồng. 

Có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo) cho rằng, cấp sơ thẩm đã đánh tráo khái niệm trái phiếu sang cổ phần, cổ phiếu. SCB đã xác nhận 5.000 cổ phiếu thực chất là trái phiếu ghi danh đang bảo lãnh cho khoản vay, không có quyền chuyển nhượng. Biên bản vay tiền ngày 18/1/2008 thể hiện đại diện pháp nhân của ông Hoa và cá nhân bà Toàn ký tên. Cơ quan tố tụng không bóc tách số tiền 50 tỷ đồng, phân định khoản nào là cá nhân và pháp nhân.

Về số tiền vay 18,9 tỷ đồng, bà Toàn khai nhận nhập vào quỹ của Hợp tác xã và Công ty Kim khí để làm vốn kinh doanh. Các chứng từ thể hiện việc rút tiền tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thái Nguyên và nộp vào tài khoản của Hợp tác xã.

Theo Hội đồng xét xử, việc vay nợ là có thật, bị cáo không từ chối nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, nội dung viết thêm và phiếu thu giả không phải là thủ đoạn gian dối để bị cáo chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, không có căn cứ cho rằng bị cáo sử dụng số tiền vay để chi tiêu cá nhân hoặc vào mục đích bất hợp pháp.

Để tránh oan sai, Hội đồng xét xử thấy rằng, cần điều tra làm rõ trong số tiền 10,3 tỷ đồng bị cáo đã trả nợ có bao nhiêu gốc, lãi của khoản 18,9 tỷ đồng; số tiền 18,9 tỷ đồng sau khi nhập quỹ bị cáo có rút ra chi tiêu không.

Tin bài liên quan