KCN Quang Minh nằm trên huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc

KCN Quang Minh nằm trên huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Quang Minh kiện đòi phí hạ tầng hơn 11 tỷ đồng

(ĐTCK) Không có hợp đồng giao kèo, chủ đầu tư Khu công nghiệp Quang Minh chỉ dựa vào quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc để đòi doanh nghiệp thuê đất số phí sử dụng hạ tầng cả gốc lẫn lãi hơn 11 tỷ đồng.

Theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Đức được giao làm chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc).

Ngày 5/1/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định 3937 quy định mức phí sử dụng hạ tầng là 10 USD/m2/50 năm; phí quản lý Khu công nghiệp là 0,1 USD/m2/năm.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 5/11/2004 và áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp thuê đất trong Khu công nghiệp Quang Minh. Phí hạ tầng đợt đầu trả 20% đến ngày 31/3/2005, còn lại trả đều trong 5 năm, lãi suất theo Ngân hàng Nhà nước công bố.

CTCP Sản xuất và thương mại Phúc Tiến thành lập từ năm 2003 và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thuê 20.520 m2 đất ở Khu công nghiệp Quang Minh từ tháng 6/2003.

Cho rằng, Công ty Phúc Tiến không thanh toán phí hạ tầng và phí quản lý Khu công nghiệp, Công ty Nam Đức đã khởi kiện vụ việc ra tòa án.

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Quang Minh tính toán và buộc Công ty Phúc Tiến phải trả phí hạ tầng tính đến ngày 21/8/2015 là hơn 10,4 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc là hơn 4 tỷ đồng, lãi hơn 893 triệu đồng, lãi chậm trả hơn 4 tỷ đồng) và khoản phí quản lý Khu công nghiệp là 776 triệu đồng (trong đó tiền gốc hơn 460 triệu đồng, lãi 315 triệu đồng). Tổng cộng số tiền Công ty Nam Đức đòi Công ty Phúc Tiến là hơn 11 tỷ đồng.

Công ty Phúc Tiến không đồng ý với yêu cầu trên với lý do: Quyết định 3937 áp dụng trong trường hợp Công ty Nam Đức phải hoàn thiện 100% cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, Kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (ngày 15/10/2007) thì từ tháng 10/2004 đến tháng 8/2007, Công ty Nam Đức mới đầu tư được 46,5% giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng của Khu công nghiệp Quang Minh.

Công ty Phúc Tiến chỉ chấp nhận mức phí năm 2005 là 15% giá thuê theo Quyết định 3937, năm 2006 là 3%, năm 2007 - 2015 là 46,5% và yêu cầu Công ty Nam Đức phải đối trừ khoản tiền Công ty đã bồi thường 10.000 héc-ta đất đầu tư hạ tầng.

Trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, bị đơn – Công ty Phúc Tiến - đã có đơn phản tố yêu cầu Công ty Nam Đức phải bồi thường số tiền hơn 3 tỷ đồng, gồm tiền Phúc Tiến đã đền bù cho dân giải phóng mặt bằng và Công ty Nam Đức đầu tư chậm, sai thiết kế.

Ngày 21/8/2015, TAND huyện Mê Linh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Nam Đức, buộc Công ty Phúc Tiến phải trả số tiền hơn 6 tỷ đồng gồm phí hạ tầng và quản lý Khu công nghiệp.

Do không được tính lãi chậm thanh toán, chủ đầu tư Khu công nghiệp Quang Minh tiếp tục kháng án lên TAND TP. Hà Nội, yêu cầu được chấp nhận số tiền hơn 4 tỷ đồng dựa trên căn cứ Điều 305, Bộ luật Dân sự và Điều 306, Luật Thương mại.

Trong khi đó, bị đơn Công ty Phúc Tiến cũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm về tố tụng và nội dung bản án. Bị đơn cho rằng cấp sơ thẩm không thu thập chứng cứ, không triệu tập một số cơ quan, tổ chức, cá nhân với với tư cách người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan để giải quyết vụ việc toàn diện, khách quan. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường sá xây dựng dở dang, hệ thống xả thải chưa có...

Đáng nói là sau nhiều năm, giữa hai bên chưa có bất kỳ giao kết hợp đồng. Song, theo nội dung khởi kiện, TAND TP. Hà Nội xác định là quan hệ cung ứng dịch vụ. Do đó, bên cung ứng được quyền yêu cầu bên sử dụng trả tiền dịch vụ.

Hội đồng xét xử thấy rằng, sản phẩm dịch vụ được cung ứng chưa hoàn thiện, nguyên đơn yêu cầu trả toàn bộ tiền dịch vụ là không có cơ sở nên cần xác định lại số tiền chủ đầu tư được hưởng.

Trong vụ án này, việc thu thập chứng cứ là rất cần thiết. Bộ luật Dân sự quy định, nếu dịch vụ không hoàn thành đúng thời hạn, bên sử dụng có quyền giảm thiểu tiền dịch vụ. Tòa thấy cần thiết phải đưa những người đã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng và cơ quan có thẩm quyền mới đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên. Mặt khác, cần làm rõ biên bản đối chiếu giữa hai bên ngày 16/10/2015 liên quan đến việc đền bù diện tích hơn 2.000 m2 làm đường.

Với những lý do trên, TAND TP. Hà Nội đã quyết định hủy bản án sơ thẩm, giao cho TAND huyện Mê Linh xét xử lại từ đầu.

Tin bài liên quan