Cán bộ của Than Cao Sơn dính líu vụ án trốn thuế tại CTCP Xuất nhập khẩu Mỏ Việt Bắc

(ĐTCK) Nhận thấy một số cán bộ CTCP Than Cao Sơn có hành vi sai phạm nhưng cơ quan điều tra đã ra quyết định tách rút tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm đề điều tra xử lý sau.

Sáng 16/8, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án trốn thuế tại CTCP Xuất nhập khẩu Mỏ Việt Bắc.

Theo nội dung vụ án, CTCP Than Cao Sơn (mã TCS) là đơn vị đã mua hàng của CTCP Xuất nhập khẩu Mỏ Việt Bắc. Tuy nhiên, Công ty Xuất nhập khẩu Mỏ Việt Bắc đã bán hàng trôi nổi trên thị trường cho Than Cao Sơn và hợp thức hóa đầu vào bằng các hóa đơn bất hợp pháp.     

Khi kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế, Cục thuế Hà Nội đã phát hiện CTCP Xuất nhập khẩu Mỏ Việt Bắc kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng và hạch toán vào chi phí với số lượng lớn hóa đơn của một vài công ty đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Do đó, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Kết quả điều tra trong quá trình hoạt động, CTCP Xuất nhập khẩu K Mỏ Việt Bắc (tiền thân là Trung tâm xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư thuộc Chi nhánh Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc Vinacomin) đã sử dụng lượng lớn hóa đơn chứng từ của 8 công ty không có thật để kê khai thuế. Việc mua bán hóa đơn do cán bộ công ty Lê Văn La và một số cán bộ khác thực hiện.

Theo quy chế, hàng năm, Công ty Xuất nhập khẩu Mỏ Việt Bắc đều giao khoán cho nhân viên chịu trách nhiệm nguồn hàng và khai thác khách hàng có nhu cầu, tính toán phương án kinh doanh, nộp lãi về công ty 2 -3% giá trị hợp đồng. Nhân viên chịu trách nhiệm pháp lý các vấn đề nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, hóa đơn chứng từ...

Lê Văn La được giao tìm nguồn hàng là phụ tùng ô tô chuyên dụng để bán cho CTCP Than Cao Sơn để sử dụng thay thế  sửa chữa cho các xe ô tô chuyên vận tải khai thác mỏ than.

Bị cáo La đã mua phụ tùng trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc với giá rẻ rồi bán cho Công ty Than Cao Sơn (trong hợp đồng ghi rõ là mua bán hàng mới, có nguồn gốc xuất xứ của Nhật, Mỹ...).

Sau đó, La tìm mua hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa trôi nổi ngoài thị trường. Qua các mối quan hệ cá nhân, La quen với Nguyễn Thị Dậu và mua hóa đơn từ Dậu. Hai bên thỏa thuận, mỗi hóa đơn La trả cho Dậu 10% trên tổng giá trị tiền hàng. La hưởng lợi từ tiền chênh lệch mua hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc, bán giá cao.

Để thực hiện việc mua bán hàng, Lê Văn La liên hệ với cán bộ Phòng Vật tư của CTCP Than Cao Sơn, lấy bảng thống kê các loại phụ tùng rồi mua hàng trôi nổi, giao cho Than Cao Sơn theo thủ tục tạm nhập hàng vào kho.

Toàn bộ hàng tạm nhập kho chưa có hợp đồng mua bán, chưa thanh toán nhưng Than Cao Sơn đã đưa vào sửa chữa, thay thế phương tiện. Khi giao hàng, có cán bộ đại diện Phòng Kỹ thuật vận tải, Phòng Vật tư và thủ kho của CTCP Than Cao Sơn kiểm tra hàng.

1- 2 tháng sau, Lê Văn La và CTCP Than Cao Sơn hợp thức lô hàng tạm nhập bằng cách ký hợp đồng mua hàng của Công ty Xuất nhập khẩu Mỏ Việt Bắc. Sau đó, La đem hợp đồng về công ty, hợp thức đầu vào bằng mua hóa đơn giá trị gia tăng của 8 công ty do Nguyễn Thị Dậu thành lập.

Bằng thủ đoạn trên, Lê Văn La đã hợp thức 462 hóa đơn nhằm mục đích trốn thuế, tổng số tiền ghi trên hóa đơn là  189,6 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là 18,9 tỷ đồng.

Nhận thấy các cán bộ Công ty Than Cao Sơn có hành vi sai phạm, nhưng Cơ quan điều tra ra quyết định tách rút tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm đề điều tra xử lý sau.

Hành vi của Lê Văn La bị truy tố Tội trốn thuế theo Điều 161 Bộ luật Hình sự khung hình phạt 2 - 7 năm tù giam, Nguyễn Thị Dậu và các cá nhân liên quan 8 công ty bán hóa đơn bị truy tối Tội mua bán trái phép hóa đơn theo Điều 164a Bộ luật Hình sự khung hình phạt 1 – 5 năm.

Tin bài liên quan