Bức tranh chi lãi ngoài của OceanBank

Bức tranh chi lãi ngoài của OceanBank

(ĐTCK) Hàng loạt nguyên giám đốc khối/ban nghiệp vụ hội sở, chi nhánh/phòng giao dịch không thừa nhận tiếp nhận và thực hiện chủ trương chi lãi ngoài, vậy việc chi lãi ngoài tại OceanBank diễn ra trong thời gian dài được triển khai ra sao?

Nhiều ý kiến đang tranh cãi về con số 1.500 tỷ đồng chi lãi ngoài có được coi là thiệt hại trong vụ án tại OceanBank hay không. Kết luận giám định về số tiền trên được tiếp tục mổ xẻ. Trong khi đó, hàng loạt bị cáo nguyên là lãnh đạo OceanBank, giám đốc khối/ban nghiệp vụ hội sở, chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng này kêu oan.

Theo cáo trạng, việc chi lãi ngoài của OceanBank bắt đầu triển khai từ năm 2011. Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) giao cho 3 đầu mối chính là Nguyễn Minh Thu,  nguyên Tổng giám đốc, Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Thị Minh Phương là các Phó tổng giám đốc. Từ chỉ đạo của các đầu mối chính này, các khối/ban nghiệp vụ thuộc Hội sở và giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch OceanBank thực hiện chi lãi ngoài huy động vốn.

Đối với việc huy động vốn không kỳ hạn, trực tiếp Tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu là người kiểm soát, phê duyệt, chi tiền và chỉ đạo chuyển tiền cho giám đốc các chi nhánh. Còn đối với tiền gửi có kỳ hạn, việc chi lãi ngoài có sự tham gia của Tổng giám đốc, Khối Nguồn vốn, Khối Khách hàng cá nhân, Khối Khách hàng lớn và Đối tác chiến lược…

Khối Bán lẻ, Khối Nguồn vốn, Khối khách hàng cá nhân sẽ tổng hợp, kiểm tra các khoản tiền chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng doanh nghiệp, đối tác chiến chiến lược, cá nhân. Sau khi được Nguyễn Minh Thu phê duyệt, bảng kê được chuyển cho bộ phận kế toán hạch toán chuyển tiền cho các chi nhánh/phòng giao dịch.

Theo quy kết, tổng số tiền thực chi cho Khối Bán lẻ là 84,4 tỷ đồng; Khối Nguồn vốn là 127,7 tỷ đồng; Khối Khách hàng cá nhân là 184,7 tỷ đồng. Những người đứng đầu các khối bị quy kết liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này.

Đối với Khối Khách hàng lớn và đối tác chiến lược do Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó tổng giám đốc thời kỳ 2012 - 2014, hiện đang được tạm đình vụ án chỉ do mắc bệnh hiểm nghèo) theo dõi bảng tổng hợp và duyệt chi lãi ngoài. Bản tổng hợp này sẽ được chuyển cho Khối Nguồn vốn kiểm tra và xử lý tiếp.

Nắm giữ nguồn tiền chuyển vào, chi ra, theo quy kết, Lê Thị Thu Thủy, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán chỉ đạo Nguyễn Thị Nga, Trưởng ban Kế toán và Vũ Thị Thùy Dương, Phó ban Kế toán làm các thủ tục tạm ứng chi tiền cho Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Thị Minh Phương chi lãi ngoài. Đầu năm 2014, khi nguồn tiền tạm ứng chưa được hoàn ứng quá lớn, Thắm chỉ đạo Lê Thị Thu Thủy chi thẳng từ tài khoản trả lãi. Khối Kế toán đã chi tiền thẳng từ tài khoản này với số tiền lên tới hơn 172 tỷ đồng.

Việc phê duyệt các mức chi cho khách hàng trên số dư bình quân tiền gửi do Nguyễn Minh Thu thực hiện. Mức chi dựa trên căn cứ bảng tính từ Khối Tài chính kế hoạch.

Đáng chú ý, nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo các khối khai rằng, ngân hàng có hệ thống phần mềm core-banking, các chi nhánh tự nhập số liệu vào hệ thống, tự tổng hợp báo cáo.

Bị cáo Đỗ Đại Nguyên Trang khai, Khối Khách hàng cá nhân không có thẩm quyền tổng hợp hay phê duyệt, mà nhận báo cáo từ Khối Kế toán và đối chiếu xác thực lại thông tin cá nhân khách hàng, không liên quan đến số tiền, cũng không biết tiền chi như thế nào, không chấm số tiền chi cho từng khách hàng. Bị cáo cũng cho biết nhận chỉ đạo trực tiếp từ Phó tổng giám đốc Trần Thanh Quang.

“Ông Quang không vướng tội thì vì sao bị cáo lại phải đứng trước vành móng ngựa?”, bị cáo Trang thắc mắc.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Hoài Nam, nguyên Giám đốc Khối Nguồn cho rằng, theo chức năng, Khối Nguồn vốn rà soát, tổng hợp, kiểm tra và được xem là “bộ lọc”, giúp giảm rủi ro cho Ngân hàng, nhưng lại bị quy kết là cố ý làm trái.

Bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán cũng đặt câu hỏi: “Bị cáo đã giải thích với cơ quan điều tra số tiền 109 tỷ đồng tạm ứng trong giai đoạn Ban Kế toán thực hiện chi đã được hoàn ứng bằng tiền mặt. Vậy tại sao hoàn ứng lại vẫn quy thiệt hại? Nếu thực sự muốn che giấu số tiền 1.500 tỷ đồng chi lãi ngoài theo thông lệ ngoài xã hội như hiện nay, cơ quan điều tra không phát hiện và không có bằng chứng rõ ràng như vậy?”.

Các bị cáo cũng cho rằng, số tiền chi lãi ngoài giúp giữ chân khách hàng, nhờ đó OceanBank mới vượt qua khó khăn.

“Về mặt số liệu, trong các năm 2011, 2012, 2013, OceanBank đều ghi nhận lãi và trả cổ tức cho cổ đông, nộp ngân sách nhà nước và được đánh giá thành tích. Nếu hành vi chi lãi suất ngoài huy động vốn là vi phạm pháp luật thì số tiền các cổ đông nhận được và nộp vào ngân sách là số tiền vi phạm, cần thu hồi để bù lại", bị cáo Nguyễn Hoài Nam bày tỏ.

Tin bài liên quan