Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

24 tháng tù giam cho người cầm đầu nhóm nghe lén 14.000 smartphone

(ĐTCK) Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vụ án nghe lén 14.000 smartphone.

Sáng 7/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử 7 bị cáo trong vụ án Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet.

Vụ án thường được nhắc đến như là vụ nghe lén “diện rộng” đầu tiên ở Việt Nam khi có tới 14.000 smartphone bị cài đặt phần mềm biến smartphone thành thiết bị giám sát chủ sử dụng.

Trước đó, vào cuối năm 2014, cơ quan công an đã khám phá bắt giữ các đối tượng kinh doanh phần mềm nghe lén điện thoại Ptracker. Việc này khiến người dùng smartphone trở nên e ngại khi chiếc điện thoại thông minh biến thành thiết bị giám sát nghe, ghi âm các cuộc gọi và môi trường xung quanh, quay phim, chụp ảnh, định vị vị trí điện thoại…  

Theo cáo trạng, năm 2013, Nguyễn Việt Hùng (SN 1974, ở Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hồng, đã thuê nhân viên Lê Thanh Lâm viết phần mềm Ptracker. Phần mềm này có chức năng chạy ẩn trên điện thoại, dữ liệu được bí mật lấy từ điện thoại bị giám sát và chuyển về máy chủ của Công ty Việt Hồng. Nó còn có chức năng: xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc thoại, ghi âm môi trường xung quanh, định vị vị trí điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật hoặc tắt 3G/GBRS.

Ngoài ra, nó còn có cho phép người sử dụng ra lệnh điều khiển từ xa đối với điện thoại bị cài phần mềm giám sát Ptracker bằng tin nhắn tới điện thoại này. Các tin nhắn này không hiển thị trên máy bị giám sát.

Về phí dịch vụ sử dụng phần mềm Ptracker được Công ty Việt Hồng quy định là 400.000 đồng/tháng; 900.000 đồng/3 tháng; 1.200.000 đồng/6 tháng; 1.800.000 đồng/1 năm. Gói dùng vĩnh viễn là 5 triệu đồng/máy.

Để có nhiều khách hàng, Nguyễn Việt Hùng thuê một loạt nhân viên gồm Lê Thanh Lâm, Nguyễn Văn Tuấn, Lê Sỹ Phán, Nguyễn Ngọc Kiều, Trần Minh Ngọc, Nguyễn Thị Nga với công việc khác nhau nhằm thúc đẩy bán hàng.

Nguyễn Ngọc Kiều, Nguyễn Văn Tuấn cùng với Lâm được giao hoàn thiện, chỉnh sửa phần mềm. Đồng thời, cho đăng tải, quảng cáo các thông tin dịch vụ gói sản phẩm này trên một số trang mạng xã hội và lập một số trang web để quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm đến người có nhu cầu sử dụng và trực tiếp cài đặt máy cho người sử dụng.

Lê Sỹ Phán được giao thiết kế giao diện trang web, logo sản phẩm, quảng cáo và Trần Minh Ngọc viết hướng dẫn người sử dụng, hỗ trợ tư vấn khi có thắc mắc về việc sử dụng phần mềm.

Nguyễn Thị Nga trực nghe điện thoại khi có người sử dụng phần mềm Ptracker gọi đến để hướng dẫn cách cài đặt sử dụng. Trực tiếp thu tiền và rút tiền từ các tài khoản ở ngân hàng về cho Công ty.

Đã có 14.140 thuê bao tài khoản đã từng cài phần mềm giám sát Ptracker. Trong đó có 7.447 tài khoản chưa bị xóa dữ liệu.Số tiền thu được từ dịch vụ trên được xác định là hơn 900 triệu đồng.

Đối với nhóm người mua phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng, hiện nay cơ quan điều tra chưa xác minh hết, nên ngày 20/12/2014, cơ quan điều tra – Công an Hà Nội đã ra quyết định tách rút tài liệu liên quan đến nhóm người mua phần mềm để tiếp tục điều tra. Nếu có căn cứ sẽ xử lý sau.

Tại phiên tòa, bị cáo Hùng trình bày rằng sở dĩ phát triển phần mềm nghe lén điện thoại là nhằm lấy lại dữ liệu trong chiếc điện thoại… bị mất. Bị cáo này đã từng mất điện thoại và không cách nào lấy lại được những thông tin lưu trong máy nên sau đó đã nghĩ ra việc cài phần mềm Ptracker vào điện thoại đó. Phần mềm này có chức năng chạy ẩn trên điện thoại, dữ liệu được bí mật lấy từ điện thoại bị giám sát và chuyển về máy chủ.

"Ý thức ban đầu của bị cáo chỉ là để tìm lại những thông tin trên chiếc điện thoại đã mất" – bị cáo Hùng trình bày.

Hùng thừa nhận có thuê Lê Thanh Lâm viết phần mềm Ptracker và thuê các nhân viên khác để triển khai các gói dịch vụ sử dụng phần mềm Ptracker để kiếm lợi nhuận. Các bị cáo khác thừa nhận hành vi song trình bày rằng không biết việc làm đó là phạm pháp mà chỉ làm công việc do Hùng giao, các bị cáo cũng cho rằng nếu không có phần việc của mình cũng không ảnh hưởng đến việc mua bán phần mềm của Hùng.

Luật sư bào chữa cho Hùng cho rằng, đa số khách hàng sử dụng phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng đều nhằm mục đích theo dõi người thân trong gia đình, chủ yếu là liên quan đến vấn đề tình cảm. Hành vi của bị cáo không gây hậu quả gì, những người bị theo dõi giám sát cũng không có ý kiến gì.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo còn lại cho rằng, các bị cáo đều là nhân viên của Hùng, hành vi gián tiếp, không gây hậu quả, hoặc tác động đến xã hội... vì vậy hành vi của các bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tuy nhiên, với nhận định rằng hành vi tạo ra, phát tán, cài đặt phần mềm Ptracker với số lượng lớn đã vi phạm vào Điều 226 BLHS, gây tâm lý hoài nghi, lo lắng cho người sử dụng và gây dư luận không tốt cho xã hội, Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Việt Hùng 24 tháng tù giam, Lê Thanh Lâm 20 tháng tù cho hưởng án treo, các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 12 – 15 tháng án treo.

Tin bài liên quan