Xu hướng hồi phục từ vùng hỗ trợ dài hạn

Xu hướng hồi phục từ vùng hỗ trợ dài hạn

(ĐTCK) TTCK tuần này đã có dấu hiệu phục hồi khá tích cực với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu dầu khí, khi giá dầu thô thế giới tăng lên quanh ngưỡng 32 USD/thùng, sau khi tạo đáy 13 năm vào tuần trước, xuống mức 26 USD/thùng.

Chính sự hồi phục mạnh mẽ của các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PXS… đã giúp đà tăng lan tỏa sang các mã blue-chips khác như: BVH, SSI, VCB, CTG, STB.

Nhóm cổ phiếu dệt may và thủy sản với những đại diện như TCM, TNG, HVG, VHC, IDI… cũng tăng giá khá tốt khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được ký kết vào đầu tháng 2 tới, mang lại cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam.

Bên cạnh đó, 2 cổ phiếu BID và HAG sau khi liên tiếp có những phiên giảm giá sàn trong tuần trước cũng có diễn biến tăng điểm và đóng góp vào đà tăng chung của thị trường.

Nhờ đó, chỉ số VN-Index đã có phiên tăng điểm ấn tượng ngay từ đầu tuần, tăng hơn 20 điểm - mức tăng kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong phiên này, khá nhiều cổ phiếu tăng giá trần với dư mua lớn, cho thấy tâm lý thị trường được cải thiện theo hướng tích cực. Tuy nhiên, khi VN-Index tiệm cận ngưỡng kháng cự 540 - 545 điểm, đà tăng của chỉ số chậm lại và thị trường bắt đầu xuất hiện phiên điều chỉnh ngày hôm qua (28/1). Một bộ phận nhà đầu tư bắt đáy trước đó đã bắt đầu bán ra cổ phiếu nhằm chốt lãi.

Trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì hoạt động bán ròng khá mạnh trên sàn HOSE, với giá trị bán ròng 419,1 tỷ đồng. Trong đó, áp lực bán tập trung tại các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn như: VIC, PVD, VCB, HAG… Động thái bán ròng của khối ngoại có thể xuất phát từ hiệu ứng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư gián tiếp ra khỏi TTCK Trung Quốc.

Chỉ số Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã giảm 6,42%, xuống còn 2.749,78 điểm hôm thứ Ba và giảm thêm 2,81% xuống 2.673,45 điểm vào ngày thứ Tư, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2014. Việc nhiều nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu ở Trung Quốc cho thấy sự quan ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này và khả năng Chính phủ Trung Quốc khó có thể có giải pháp “chặn” được đà rút vốn ồ ạt hiện nay của nhà đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn.

Bất chấp những diễn biến tiêu cực từ TTCK Trung Quốc, chỉ số VN-Index giữ được mức tăng điểm trong tuần này có thể xem là một dấu hiệu tích cực. Động lực của việc tăng điểm này một phần xuất phát từ phản ứng của thị trường với vùng hỗ trợ dài hạn của VN-Index tại 510 - 520 điểm.

Kể từ năm 2014 tới nay, sau nhiều yếu tố tác động bất lợi như “sự kiện Biển Đông”, quy định hạn chế nguồn vốn tín dụng cho vay đầu tư chứng khoán, làn sóng bán tháo của khối ngoại do hiệu ứng từ sự lao dốc của TTCK Trung Quốc…, VN-Index chưa bao giờ đóng cửa ở phía dưới vùng hỗ trợ này.

Mặc dù đà hồi phục của chỉ số sàn HOSE đang gặp những trở ngại nhất định do áp lực chốt lãi ngắn hạn, những nhịp điều chỉnh kỹ thuật có khả năng xảy ra trong các phiên giao dịch tới, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng, xu hướng hồi phục sẽ diễn ra trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, với mục tiêu ngắn hạn là 555 - 560 điểm.

Tin bài liên quan