VN-Index vượt qua mốc 600 điểm, xu hướng tăng vẫn tiếp diễn

VN-Index vượt qua mốc 600 điểm, xu hướng tăng vẫn tiếp diễn

(ĐTCK) Với việc TTCK Mỹ có chuỗi tăng điểm 4 tuần liên tiếp, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam đã được khích lệ, thanh khoản và chỉ số chứng khoán đều tăng khá mạnh phiên cuối tuần. 

Lần thứ 3 trong năm, VN-Index vượt qua mốc 600 điểm, chốt phiên 23/10 tại 601,74 điểm. Thanh khoản trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) đạt gần 2.500 tỷ đồng trong phiên này.

Nhiều cổ phiếu lớn trong các ngành ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản như BID, CTG, VCB, BVH, VIC tăng giá, giúp VN-Index nhanh chóng vượt qua ngưỡng kháng cự 600 điểm trong phiên 23/10. Đặc biệt, VIC được khối ngoại mua ròng 61,88 tỷ đồng và tăng mạnh 4,5% với khối lượng giao dịch 3,2 triệu cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu tăng giá chiếm đa số với tỷ lệ mã tăng giá/mã giảm giá trên HOSE là 127/96 và trên HNX là 112/82.

Thống kê của CTCK MBS cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua ròng trên HOSE với giá trị mua ròng 110,23 tỷ đồng. Ngoài mã VIC được mua ròng 61,88 tỷ đồng, họ còn mua vào nhiều các mã như SSI (+10,2 tỷ đồng), PVD (+9,2 tỷ đồng). Khối ngoại cũng mua ròng trở lại 2,15 tỷ đồng trên HNX với các mã được mua vào nhiều như PVS (+6,6 tỷ đồng), IVS (+1,2 tỷ đồng), trong khi bán ra ra nhiều NTP (-2,5 tỷ đồng), TNG (-1,5 tỷ đồng), PVC (-1 tỷ đồng).

Cũng theo MBS, về mặt kỹ thuật, VN-Index đã vượt qua vùng kháng cự mạnh 595-600 điểm với thanh khoản tích cực, trong khi HNX-Index tiến lên sát ngưỡng kháng cự 82-83 điểm. Đây là các tín hiệu cho thấy xu hướng tăng điểm hiện nay vẫn tiếp diễn. MBS khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ danh mục có tỷ trọng cổ phiếu cao để tận dụng xu hướng tăng của thị trường hiện nay

Sự khởi sắc của TTCK Việt Nam đến từ kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao trong quý IV/2015 và trong năm tới. Theo dự thảo báo cáo phát triển kinh tế - xã hội của Ban chấp hành Trung ương Đảng, một trong những chủ trương lớn đặt ra giai đoạn 2016-2020 là tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển các DN Việt Nam, nhất là khối DN tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Mục tiêu cụ thể được đặt ra trong 5 năm tới là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân/năm đạt 6,5-7%. Đến năm 2020, GDP bình quân trên đầu người khoảng 3.200-3.500 USD.

Dự thảo cũng xác định sẽ đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả của TTCK, thị trường trái phiếu để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Hiện bản dự thảo này đang được lấy ý kiến công chúng. Nếu các nội dung trên được thống nhất và thực thi, sẽ tạo nền tảng vững chắc cho TTCK phát triển lành mạnh và minh bạch.

Tin bài liên quan