Đồ thị VN-Index (Nguồn: ACBS)

Đồ thị VN-Index (Nguồn: ACBS)

VN-Index, kỳ vọng ngưỡng hỗ trợ 575 điểm

(ĐTCK) Trong tuần trước, mặc dù vẫn khá lạc quan về triển vọng thị trường trong ngắn hạn, nhưng chúng tôi cũng đã cảnh báo về một đợt suy giảm sau đó, Vn-Index có thể về mức 500 điểm.

Trong tuần qua, với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY), TTCK trong nước đã chuyển sang bi quan sớm hơn dự kiến khi chỉ tăng vào đầu tuần, giảm mạnh vào cuối tuần đi kèm với thanh khoản tăng mạnh, cho thấy TTCK trong nước nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục giảm điểm ít nhất là cho đến giữa tuần này.

Mức hỗ trợ quan trọng hiện tại trên VN-Index nằm tại 575 điểm và trên chỉ số VN30-Index là 594 điểm. Trong trường hợp các chỉ số chứng khoán giảm điểm, nhưng không xâm phạm các mức kháng cự nói trên thì nhiều khả năng xu hướng tăng bắt đầu từ ngày 19/5/2015 vẫn còn tiếp tục. Trong trường hợp ngược lại, các chỉ số chứng khoán trong nước đóng cửa dưới các mức kháng cự nói trên trong tuần này thì TTCK trong nước sẽ quay trở lại xu hướng giảm, khi đó, những đợt hồi phục tăng điểm chỉ là ngắn hạn và TTCK trong nước có thể sẽ đi về vùng 528-508 điểm trước khi hình thành xu hướng tiếp theo.

Một trong những nguyên nhân khiến chúng tôi bi quan trong lần nhận định trước là do chúng tôi nhận thấy có một sự tương đồng giữa tình hình kinh tế thế giới hiện tại với giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng xảy ra từ năm 1997 - 2003. Trong giai đoạn 1997-2003, cuộc khủng hoảng của đồng baht Thái đã lan ra toàn châu Á và lan sang Mỹ vào năm 2000. Còn trong giai đoạn hiện tại, một cuộc khủng hoảng khác ở một đất nước lớn hơn, ảnh hưởng sâu rộng hơn cũng ở châu Á dường như cũng đang lan ra toàn cầu. Diễn biến của cuộc khủng hoảng nhiều khả năng sẽ được chia ra làm 3 giai đoạn như sau:

Trong giai đoạn đầu, việc đồng CNY liên tục mất giá có thể sẽ khiến FED trì hoãn quyết định tăng lãi suất vào tháng 9 tới và điều này có thể làm cho USD bước vào một đợt giảm giá ngắn hạn, nhờ đó, các quốc gia mới nổi sẽ bớt khó khăn một thời gian. USD giảm sẽ kéo hàng hoá, vàng và TTCK các nước mới nổi tăng ngắn hạn, giá vàng có thể chạm mốc từ 1.200 - 1.400 USD/ounce.

Về trung hạn, USD vẫn nằm trong xu hướng tăng mạnh và có thể tăng thêm từ 20-30% và chạm mốc 120 điểm trong vòng 2 năm tới. USD tăng sẽ làm hàng hoá, vàng và TTCK các nước mới nổi sẽ quay trở lại xu hướng giảm. Khi đó, dòng tiền từ các nước sẽ đổ về TTCK Mỹ và vì vậy, trong vòng 2 năm tới, TTCK Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đi lên và chạm các mức cao mới, trong khi TTCK của phần còn lại thế giới sẽ ảm đạm.

Trong dài hạn, từ 3 - 5 năm tới, TTCK Mỹ rốt cuộc không thể tăng mãi mà cuối cùng cũng sẽ đi theo xu hướng chung của thế giới. Dự báo, DJIA sau khi tăng mạnh thì cũng sẽ đảo chiều mạnh và có thể chạm mốc 7.000 điểm. Giá vàng sẽ có bước hồi phục mạnh mẽ và xác lập đỉnh cao mới, cao hơn mốc 1.920 USD/ounce được thiết lập vào tháng 9/2011. Dòng tiền sẽ chuyển từ thị trường cổ phiếu sang trái phiếu và vàng, vì vậy, 2 tài sản này sẽ tăng mạnh một khi TTCK Mỹ “vỡ”.

Nếu cuộc khủng hoảng nói trên thực sự xảy ra thì đợt tăng giá từ kéo dài từ tháng 2/2009 đến nay chỉ sẽ chỉ là một đợt hồi phục trung hạn của một đợt giảm giá dài hạn kéo dài bắt đầu từ năm 2007. Khi đó, chỉ số VN-Index dù vẫn có khả năng phá vỡ đỉnh cũ 640 điểm và đi lên vùng giá mục tiêu 670 - 680 điểm để kết thúc xu hướng hồi phục trung hạn trước khi quay trở lại xu hướng giảm giá dài hạn với mục tiêu là vùng 332 - 235 điểm.

Tin bài liên quan