Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Indẽ (Nguồn: VPBS)

Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Indẽ (Nguồn: VPBS)

VN-Index có thể giảm về 595 điểm

(ĐTCK) Mặc dù vẫn có nhiều thông tin tốt hỗ trợ, nhưng việc bán ròng liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài đã ảnh hưởng xấu đến xu hướng chung của thị trường. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể kiểm tra lại tại 2 vùng hỗ trợ: 595 - 600 điểm và 575 - 580 điểm.

Trong những phiên giao dịch vừa qua, TTCK trong nước tiếp tục đón nhận thêm nhiều thông tin tích cực.

Trong báo cáo mới ra, Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s cho rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô và chất lượng quản trị cải thiện là những yếu tố chính khi họ nâng hạng tín nhiệm các ngân hàng Việt Nam.

Báo cáo Moody cũng ghi nhận tăng trưởng kinh tế Việt Nam hồi phục qua giai đoạn đáy năm 2012 và kiểm soát lạm phát ở mức thấp kỷ lục. Ngân hàng Nhà nước do đó có dư địa giảm một số lãi suất chủ chốt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cải thiện thị trường bất động sản.

Điều đó khẳng định sự phát triển về chất lượng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam, cũng như những chính sách điều hành đang đi đúng hướng.

Sáng 13/10, Bộ Tài chính đã có quyết định yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục giảm giá tối thiểu 669 đồng/lít đối với xăng RON92, 878 đồng/lít đối với dầu diesel, 848 đồng/lít đối với dầu hỏa và 724 đồng/lít đối với dầu mazút. Đây là lần giảm giá xăng thứ 7 liên tiếp kể từ cuối tháng 7.

Việc giảm giá xăng dầu lần này cũng như xu hướng giảm giá từ đầu năm có thể hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vận tải giảm chi phí đầu vào. Ngoài ra, giá xăng dầu giảm có thể là yếu tố kiềm chế lạm phát trong quý IV này.

Mặc dù vậy, TTCK trong nước lại nằm trong xu hướng giảm trong những phiên vừa qua. Tính từ ngày 8/10, chỉ số VN-Index đã giảm 1,86%; VN30 đánh mất 2,71% giá trị. Theo chúng tôi, việc thị trường sụt giảm chịu ảnh hưởng từ việc chứng khoán toàn cầu giảm mạnh, đặc biệt là chứng khoán Mỹ.

Chỉ số S&P 500 trên TTCK Mỹ giảm 1,65% trong ngày 13/10, ghi nhận đợt giảm 3 phiên mạnh nhất kể từ năm 2011.

Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc chấm dứt chương trình mua tài sản (gói QE3) vào tháng 10 này.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá mạnh đối với GAS và các cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30, qua đó ảnh hướng xấu đến xu hướng chung của TTCK trong nước.

Tính trong 5 phiên giao dịch gần đây nhất, khối ngoại đã bán ròng với giá trị 448,5 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, GAS, PVD, HPG… Trong khi đó, trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng với giá trị 47,5 tỷ đồng.

Sau khi được cổ phiếu GAS kéo lên mức điểm cao nhất 626,9 điểm vào ngày 9/10, chỉ số VN-Index đã có 3 phiên giảm điểm liên tiếp sau đó.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số hình thành mẫu hình Exhaustion Gap, tín hiệu cảnh báo đảo chiều đi xuống.

 Hiện tại, VN-Index đang nằm dưới các đường hỗ trợ động (Moving Average) ngắn và trung hạn, đó là các đường MA10 ngày, MA20 ngày, MA50 ngày và đang hội tụ vào nhau, hình thành vùng kháng cự tại mốc 613 - 615 điểm.

Theo đó, chỉ số sàn HOSE đang có tín hiệu giảm điểm trong ngắn hạn để kiểm tra các vùng hỗ trợ phía dưới. Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại có hai vùng hỗ trợ đáng chú ý là vùng 595 - 600 điểm, tạo bởi vùng đáy thiết lập cuối tháng 9, cộng hưởng với cận dưới dải Bollinger Band cũng như đường trung bình động MA100 ngày. Ngưỡng hỗ trợ thứ hai là vùng 575 - 580 điểm, hình thành bởi đường trung bình động dài hạn, MA200 ngày.

Các chỉ số chứng khoán khác như HNX-Index, VN30 cũng đồng loạt phát ra tín hiệu kỹ thuật tiêu cực sau phiên giao dịch ngày 14/10 để cùng xác nhận xu hướng giảm điểm của chỉ số VN-Index.

Vì vậy, dù vẫn giữ quan điểm lạc quan với xu hướng trung và dài hạn của thị trường, chúng tôi thận trọng với xu hướng thị trường trong 1 - 2 tuần tới.

Tin bài liên quan