Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index (Nguồn: VPBS)

Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index (Nguồn: VPBS)

VN-Index cần trải qua giai đoạn củng cố dài hơn

(ĐTCK) Nối tiếp đà tăng điểm cuối tuần trước, thị trường tuần này đã có cơ hội chinh phục vùng đỉnh cũ của chỉ số VN-Index tại 645 điểm.

Tuy nhiên, sự giúp sức của các cổ phiếu vốn hóa lớn không còn đủ mạnh trong nỗ lực vượt đỉnh lần thứ hai này khi dòng tiền chảy vào nhóm VN30 đã không còn được duy trì mạnh mẽ.

Sự thận trọng tăng lên tại ngưỡng kháng cự mạnh này đã kích thích tâm lý chốt lời tại nhóm cổ phiếu đã giao dịch tích cực nhờ thông tin cơ bản hoặc được hỗ trợ bởi Nghị định 60 như HPG, HSG, KDC, GMD, REE, FPT… Mức lợi nhuận 7 - 10% tại các mã này là khá hấp dẫn trong bối cảnh xu hướng ngắn hạn của thị trường chưa thực sự rõ ràng.

Quan sát những phiên giao dịch gần đây, chúng tôi nhận thấy, dòng tiền tiếp tục luân chuyển từ nhóm ngành dẫn dắt như tài chính – ngân hàng sang các nhóm có tiềm năng tăng trưởng tốt, như dệt may, thủy sản nhờ diễn biến mới về Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). 12 nền kinh tế tham gia TPP sẽ tổ chức vòng đàm phán giữa các trưởng đoàn từ ngày 28/7 đến ngày 1/8 tại Hawaii để giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Quốc hội Mỹ và các nền kinh tế tham gia TPP đều kỳ vọng cuộc đàm phán này sẽ là vòng đàm phán cuối cùng. Nếu thành công, TPP nhiều khả năng sẽ được ký kết vào ngày 31/10 hoặc đầu tháng 11. Kỳ vọng vào TPP đã đưa các mã cổ phiếu như TCM, TNG, HVG, FMC, VHC bứt phá ngay khi thông tin này được đưa ra.

Trong khi tương lai của TPP phải đến cuối tuần này mới được quyết định và cơ hội tại các mã lớn không còn nhiều, dòng tiền dường như đang quay trở lại với các cổ phiếu đầu cơ chưa tăng mạnh trong thời gian qua như FIT, KLF, FLC, HAI, VHG, GTN, SAM…

Sự lựa chọn này khó có thể lấy tạo tăng mạnh cho chỉ số, nhất là trong thời điểm nhóm cổ phiếu trụ đang trong giai đoạn đi ngang hoặc điều chỉnh và khối ngoại liên tục bán ròng trên HOSE.

Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, sự sa sút của TTCK Trung Quốc và những động thái rục rịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng có thể gây ra những tác động nhất định đến thị trường trong nước.

Do đó, chúng tôi cho rằng, VN-Index có thể sẽ cần trải qua giai đoạn củng cố dài hơn để có được động lực tăng điểm vững chắc hơn.

VN-Index có thể đi ngang trong biên độ 620 – 640 điểm

Lần thứ hai trong tháng 7, chỉ số VN-Index dừng bước trước kháng cự quan trọng 640 - 645 điểm. Khối lượng giao dịch trong tuần qua trên HOSE đã gia tăng lên mức khoảng 120 triệu cổ phiếu/phiên, nhưng chưa đủ mạnh để tạo sự bứt phá.

Lực bán chốt lời đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tại ngưỡng kháng cự đã gây áp lực điều chỉnh cho thị trường và một lần nữa VN-Index lùi về vùng hỗ trợ quanh đường trung bình động MA20 ngày, hiện đang nằm tại vùng 620 - 625 điểm.

Chúng tôi quan sát thấy khối lượng giao dịch trong những phiên giảm điểm của thị trường không cao, thậm chí có xu hướng giảm dần. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang khá kiên nhẫn trong việc nắm giữ cổ phiếu khi triển vọng trung hạn của thị trường vẫn đang tích cực. Rất có khả năng vùng 620 - 625 điểm sẽ hỗ trợ thành công cho VN-Index và giúp chỉ số này phục hồi trở lại.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, tạm thời chỉ số sàn HOSE sẽ chưa có sự bứt phá mạnh và cần thêm sự tích lũy. Trong bối cảnh đó, VN-Index có thể đi ngang trong biên độ 620 - 640 điểm và dòng tiền đầu cơ sẽ có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình, hiện đang bị định giá thấp hơn so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng mạnh trước đó.

Tin bài liên quan