Tuần mới, mua gì - bán gì?

Tuần mới, mua gì - bán gì?

(ĐTCK) Dù thị trường đang lình xình với dòng tiền hạn chế (trừ phiên cuối tuần thanh khoản tăng do hoạt động chốt danh mục của các quỹ ETFs), nhưng dưới góc nhìn và phân tích của mình, một số nhà đầu tư cá nhân được biết đến rộng rãi trên thị trường vẫn đánh giá cao một số cổ phiếu, thậm chí có cổ phiếu được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tới hơn 200%.

Nhà đầu tư Trần Minh Đại Long

Theo như khuyến nghị cách đây 2 tuần của tôi về những cổ phiếu sẽ có kết quả kinh doanh tăng trưởng vào quý III năm nay nhờ biên độ tỷ giá tăng, kết quả nhóm cổ phiếu xuất khẩu hưởng lợi từ tỷ giá đã thu hút được dòng tiền khá tích cực trong hai tuần trở lại đây. Cụ thể bao gồm TCM, TNG, HVG...

Cá nhân tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu này sẽ còn tiếp diễn xu hướng tăng, đan xen những phiên tích lũy khối lượng cao từ nay tới cuối năm với kỳ vọng lợi nhuận tối thiểu 25% so với mặt bằng giá hiện tại. Trở lại chủ đề mà tôi đã và đang chia sẻ về cơ hội đầu tư giá trị cao, đó chính là mã chứng khoán C47 của CTCP Xây dựng 47.

Sau khi chia sẻ trong bài cách đây 2 tuần, nhiều người hỏi tôi rằng: Tại sao C47 trong 40 năm qua chỉ chia cổ tức bình quân mỗi năm 20,8% mà tôi lại định giá cổ phiếu C47 lên tới 50.000 đồng/cổ phiếu.

Tôi muốn trao đổi sâu hơn để bạn đọc cùng khám phá về giá trị thực của một cổ phiếu:

Trên thế giới, có lẻ từ xưa tới nay nổi tiếng nhất là cổ phiếu Tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett. Mức cổ tức bình quân từ khi thành lập tới nay là 30,8%/năm.

Từ khi thành lập Berkshire Hathaway hầu như không phát hành thêm cổ phiếu (khá giống với trường hợp của C47 từ khi niêm yết rất ít khi tăng vốn cổ phần) đến nay, giá 1 cổ phiếu Berkshire Hathaway A có thời điểm trên dưới 300.000 USD/1 cổ phiếu (tương đương với 6,7 tỷ đồng).

Vậy bạn đọc đánh giá thế nào đối với một cổ phiếu như C47 có mức cổ tức ổn định trên 20,8%/năm trong 40 năm qua?

Với người Mỹ, cổ phiếu Berkshire Hathaway có giá trị rất cao, vì bản chất là sự ổn định trong một thời gian dài, nhiều người lầm tưởng rằng cổ phiếu đột biến về lợi nhuận trong ngắn hạn đã là tốt. Tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư cứ thấy doanh nghiệp có lãi đột biến là lao vào đẩy giá lên quá cao. Đa số không hề biết rằng, quan trọng hơn chúng ta phải đánh giá lịch sử của doanh nghiệp.

Ví như trưởng hợp của SDI (CTCP Phát triển đô thị Sài Đồng) hay rất nhiều công ty trên sàn trong năm ngoái, khi mà doanh thu lợi nhuận đột biến lên rất cao, nhiều người nghĩ rằng giá 100.000 đồng/CP vẫn là rẻ và đẩy giá SDI lên tới 108.000 đồng/cổ phiếu. Họ không nhìn thấy rằng để đạt được lợi nhuận cao như 2013 - 2014 thì trong quá khứ SDI không có lãi. Nhìn xa hơn nữa, tương lai đến 2016, SDI sẽ còn lãi được bao nhiêu khi đã bán hạch toán hết bất động sản trong tay? Nếu quản lý chi phí không tốt, thậm chí là không còn có lãi, đến khi đó đừng nói là 108.000 đồng trong quá khứ, mà 26.000 đồng (giá hiện nay) dù đã giảm xuống rất nhiều nhưng vẫn còn là đắt.

Trở lại câu hỏi về giá trị cổ phiếu C47, tôi đã nghiên cứu rất kỹ doanh nghiệp này, C47 dùng đòn bẩy lớn (vay ngân hàng) để đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia, có điểm rơi lợi nhuận như tôi đã phân tích cách đây 2 tuần vì sao sẽ tăng mạnh bắt đầu từ nửa cuối năm nay. Thực tế đúng ra từ quý II vừa qua, C47 đã tăng trưởng 100% lợi nhuận nếu không vì chi phí tài chính lớn để đưa đại công trình Thượng Kon Tum đi vào hoạt động.

Cập nhật giá đất mới nhất trên phố Tây Sơn, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, giá đất tại trục này thực tế đang giao dịch từ 75-90 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Trong khi đó, nhiều năm trước, C47 chỉ phải bỏ ra 4,7 tỷ đồng để đền bù và làm đường + cấp phép xây dựng 3 block chung cư 25 tầng giữa trung tâm thành phố, tại số 105 Tây Sơn trên diện tích 2,2 héc-ta. Tính ra mỗi m2 tại đây, C47 chỉ phải trả 220.000 đồng, tức giá trị đất đai tại đây đã tăng gấp 400 lần so với chi phí C47 đã đầu tư.

Những hợp đồng thắng thầu lớn vừa diễn ra ở Đa Nhim và Thượng Kon Tum trong quý II vừa qua đã minh chứng năng lực thầu số 1 hiện nay của C47. Mới đây nhất, C47 đã chính thức đưa đại công trường Thượng Kon Tum thi công hơn 1.600 tỷ đồng vào triển khai và đang gấp rút đào hầm bằng công nghệ TBM, thiết bị mà C47 mới đầu tư (đây là công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới mới được ứng dụng thành công tại Việt Nam).

C47 là một trong số ít những doanh nghiệp thủy điện hiện nay có khả năng thi công được tất cả các hạng mục công trình. Chính vì vậy, C47 có lợi thế lớn trong việc nhận thầu, bỏ giá thầu cạnh tranh cũng như tự chủ được khối lượng công việc và thời gian thi công công trình. Đây chính là điểm khác biệt lớn của C47 so với các công ty thủy điện thuộc Tổng công ty Sông Đà.

Thiết bị vận tải gồm nhiều loại mới, hiện đại như máy đào, máy ủi, máy đầm, máy khoan đá, cẩu các loại, trạm trộn bê tông, trạm nghiền sàng đều được nhập mới của nhóm tám nước công nghiệp phát triển G8.

Các loại máy móc cũng như phương tiện vận tải của C47 không phải là những phương tiện quá đặc thù thi công các công trình thủy điện, vì vậy nó sẽ tiếp tục sử dụng được khi triển khai các công trình xây dựng dân dụng hay thi công cầu, hầm….

Năng lực xây dựng: đào đắp đất đá 4 triệu m3/năm, thi công bê tông 1,5 triệu m3/năm, đá xây lát 50.000 m3/năm, sản xuất đá các loại 1,3 triệu m3/năm.

Từ năm 2010, Công ty không ngừng đẩy mạnh đầu tư máy móc, phương tiện vận tải. Trung bình mỗi năm C47 đầu tư thêm 150 tỷ đồng trang thiết bị phục vụ xây lắp. Hiện nay, C47 là tổng thầu của rất nhiều các công trình lớn, như Thủy điện Trung Sơn trị giá 3.000 tỷ đồng, Thủy điện Thượng Kon Tum trị giá 1.600 tỷ đồng, Thủy điện Đa Nhim trị giá 800 tỷ đồng, Dự án kênh Tân Mỹ đoạn qua Ninh Thuận trị giá 1.500 tỷ đồng.

Riêng dự án Thủy điện Thượng Kon Tum được thi công bằng máy TBM giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, cũng như độ an toàn cao hơn so với phương pháp cũ. C47 đã tiến hành đàm phán mua lại máy TBM của nhà thầu Hoa Đông Trung Quốc thi công trước đó với giá 1,87 triệu USD so với mức giá máy mới là 5,7 triệu USD. Máy TBM về cơ bản sẽ được khấu hao hết cho công trình này và là tiền đề để thực thiện dự án đèo Quy Hòa.

Dự án đèo Quy Hòa dự kiến sẽ được tỉnh Bình Định giao cho thi công vào cuối năm 2017 theo hình thức BT, đổi đất lấy hạ tầng. Dự án này trị giá khoảng 800-1.000 tỷ đồng, C47 sẽ phải hoàn toàn chủ động nguồn vốn để hoàn thành dự án này, đổi lại C47 sẽ nhận được khu đất rộng 245 héc-ta để phát triển khu dân cư mới kèm resort tại Quy Hòa, gần Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại Quy Hòa. Dự án này nhiều khả năng sẽ có trong đại hội cổ đông năm 2016 của Công ty. Dự án này được triển khai sẽ mang lại khoản lợi nhuận cực lớn cho C47 từ năm 2019. Đây sẽ là bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của công ty, trở thành một định chế lớn trong lĩnh vực xây dựng.

Kể từ khi lên sàn đến nay lãnh đạo doanh nghiệp không ngừng tăng tỷ lệ sở hữu. Từ mức 3% tại thời điểm năm 2012, đến nay Tổng giám đốc Nguyễn Lương Am đã tăng tỷ lệ sở hữu của mình lên hơn 13%.

Ngoài doanh thu lớn bổ sung từ quý III năm nay từ Thượng Kon Tum và Đa Nhim, thì các dự án Trung Sơn, Bắc Sông Chu, Hầm Hô, Văn Phong, Định Bình, Buôn Đôn đang vào thời điểm thu hoạch. Dựa trên đánh giá tài sản từ hệ thống máy móc công nghệ cao, những vị trí đất vàng mà C47 đang sở hữu như lô 105 Tây Sơn, Khách sạn Hải Âu, số 489 An Dương Vương - vị trí đẹp nhất biển Quy Nhơn, trụ sở 11 tầng, số 8 Biên Cương, 50 héc-ta Cụm công nghiệp An Phước, 3,6 héc-ta huyện Tuy Phước... cho thấy giá cổ phiếu C47 trên sàn đang quá rẻ dưới sâu giá trị doanh nghiệp.

Sự ổn định của C47 trong quá khứ và dòng tiền đầu tư dài hạn từ Thủy điện Văn Phong, Định Bình, Buôn Đôn, khách sạn Hải Âu, Hầm Hô... những lĩnh vực core chính của doanh nghiệp trong xây dựng thủy điện, bất động sản dồn về đã nhìn rất rõ. Từ giá trị cổ phiếu Tập đoàn Berkshire Hathaway, tham chiếu tới C47 một cách đúng nghĩa về mặt lịch sử chia cổ tức, tài sản doanh nghiệp và tương lai tăng trưởng lợi nhuận, tôi khẳng định, C47 sẽ là cơ hội đầu tư đáng mơ ước của những nhà đầu tư giá trị, ngắn hạn là đón tin chốt chia cổ tức 18% tiền mặt trong tuần sau và xa hơn với mục tiêu dài hạn trên dưới 50.000 đồng/cổ phiếu.

...............................

Theo đề nghị của một số nhà đầu tư, chúng tôi sẽ sử dụng tên gọi theo tên được các nhà đầu tư này dùng trên các diễn đàn chứng khoán - nickname. Các nhận định và khuyến nghị mua - bán các mã cổ phiếu, nhóm mã cổ phiếu là quan điểm cá nhân của các nhà đầu tư, không phản ánh quan điểm của Tòa soạn và chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Tin bài liên quan