Triển vọng không quá sáng với doanh nghiệp phân bón

Triển vọng không quá sáng với doanh nghiệp phân bón

(ĐTCK) Năm 2014, khó khăn của ngành phân bón khiến giá cổ phiếu ngành này giảm 16%, trong khi VN-Index tăng 8,1%. Năm 2015, giá phân bón có xu hướng ổn định, nhưng triển vọng của ngành vẫn chưa thực sự khả quan.

Xu hướng giá ổn định

Theo Hiệp hội Công nghiệp phân bón quốc tế (IFA), trong vòng 5 năm tới, thế giới sẽ có khoảng 200 dự án phân bón đầu tư mới và mở rộng đi vào hoạt động. Dự báo, trong niên vụ 2014 - 2015, nhu cầu phân bón các loại của thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 - 2,1%, đạt 187,9 triệu tấn và nguồn cung tăng lên khoảng 4,9%, đạt 212,7 triệu tấn.

Vẫn theo IFA, xét trong trung hạn đến niên vụ 2018 - 2019, với triển vọng kinh tế mùa vụ và thị trường nông sản toàn cầu, thì nhu cầu phân bón thế giới tính đến niên vụ 2018 - 2019 sẽ đạt tốc độ tăng bình quân 1,8%/năm và chạm mốc 200 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cuối quý I năm nay cho biết, năm nay, 2 trong 4 loại phân bón phổ biến của thế giới là DAP và urê sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm giá ở mức 5%, còn kali sẽ tăng nhẹ 1% và TSP ở mức ổn định so với năm 2014. Sau đó, giá phân bón sẽ ổn định với DAP và kali cho đến năm 2025, còn urê và TSP nhiều khả năng giảm mỗi năm 1%.

Nhu cầu khó tăng

Việt Nam có 15 doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn, thị phần của các công ty này chiếm khoảng 95% tổng sản lượng phân bón sản xuất năm 2014. Trong đó, có 9 công ty thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, 2 công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Nhu cầu tiêu thụ phân bón tập trung ở Nam Bộ với nhu cầu 6,2 triệu tấn, chiếm 58% tổng nhu cầu phân bón tiêu thụ cả nước. Sau đó là khu vực Bắc Bộ với 2,6 triệu tấn và Miền Trung là 1,97 triệu tấn.

Theo dự báo của AgroMonitor, trong năm 2015, Việt Nam cần khoảng 10,83 triệu tấn phân bón các loại, không thay đổi so với năm 2014. Trong bối cảnh cung vượt cầu, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu phân bón, khắc phục tình trạng suy giảm về giá trị xuất khẩu trong năm 2014.

Năm 2014, khối lượng phân bón xuất khẩu đạt 1.079 triệu tấn các loại, kim ngạch đạt 383,7 triệu USD, tăng nhẹ 0,51% về lượng, nhưng giảm 8,06% về kim ngạch so với năm 2013. Nguyên nhân là do tác động gián tiếp của chính sách tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng phân bón. Xuất khẩu phân bón sang Campuchia vẫn lớn nhất với 461.790 tấn, giảm 9% so với năm 2013.

Năm 2014, các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp 80% nhu cầu phân bón cho thị trường nội địa. Từ 1/1/2015, các mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra. Điều này sẽ làm chi phí sản xuất của doanh nghiệp nội địa tăng lên và giảm tính cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu. Không chỉ có sự thay đổi về chính sách thuế của Việt Nam, mà thuế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc trong năm 2015 cũng thay đổi theo hướng có lợi cho nhập khẩu phân bón từ thị trường này. 

Đánh giá một số doanh nghiệp phân bón niêm yết

Trong nhóm ngành các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón niêm yết thì DPM là doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất, lên đến 11.588 tỷ đồng và liền sau đó là DCM với vốn hóa là 7.093 tỷ đồng, vốn hóa nhỏ nhất là 306 tỷ đồng của NFC.

Xét về quy mô tài sản thì DCM là doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn nhất, đạt 16.544 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với doanh nghiệp thứ hai là DPM. Có thể thấy, quy mô tài sản của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành phân bón không tương đồng khi các doanh nghiệp của PVN có quy mô rất lớn so với các doanh nghiệp còn lại.

Trong số các doanh nghiệp niêm yết, DPM có quy mô doanh thu lớn nhất, đạt 9.548 tỷ đồng trong năm 2014, giảm 7,9% so với năm 2013, chủ yếu do giá phân bón của DPM giảm 22%. QBS có mức tăng trưởng doanh số ấn tượng, 36,9%. LAS là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành có kết quả tăng trưởng doanh thu dương trong năm 2014. Tính chung, doanh số năm 2014 của các doanh nghiệp phân bón niêm yết là 26.154 tỷ đồng, giảm 2,1% so với năm 2013.

Về lợi nhuận, ngoại trừ DCM và QBS, các doanh nghiệp niêm yết ngành phân bón đều chứng kiến sự tăng trưởng âm về lợi nhuận trong năm 2014. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này trong năm 2014 là 2.556 tỷ đồng, giảm 22,5% so với năm 2013, chủ yếu do tình hình kinh doanh của ngành không thuận lợi và biến động giá nguyên liệu đầu vào của một số doanh nghiệp lớn.

Với những phân tích về cung cầu và triển vọng giá phân bón như trên, chúng tôi đánh giá một số cổ phiếu có triển vọng như sau (xem bảng).

Triển vọng không quá sáng với doanh nghiệp phân bón ảnh 1
Tin bài liên quan