Theo WB, dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ
tăng trưởng 90% vào năm 2020

Theo WB, dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng 90% vào năm 2020

TPP với thị trường chứng khoán: Không chỉ toàn màu hồng

(ĐTCK) Nhiều nghiên cứu cho rằng Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua. Tuy nhiên, TPP không chỉ tác động tích cực, mà có ảnh hưởng trái chiều đến nền kinh tế, cũng như TTCK Việt Nam.

Nhiều nhóm ngành được hưởng lợi

Hiệu ứng của việc TPP được thông qua đối với TTCK Việt Nam trong ngắn hạn là không đáng kể. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, quy mô vốn hóa của các ngành có ảnh hưởng tích cực nhờ TPP không quá lớn, nên tác động tới chỉ số chứng khoán chung không quá mạnh mẽ. Thứ hai, TPP vẫn cần một khoảng thời gian nữa để chính thức có hiệu lực tại tất cả các quốc gia thành viên sau khi được thông qua.

Các nhóm ngành được hưởng lợi khi TPP chính thức có hiệu lực gồm: dệt may, da giày, thủy sản, gỗ, phân phối ô tô, khu công nghiệp, cảng biển…

Với ngành dệt may, các nước tham gia TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. 40% giá trị hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang 11 nước trong TPP. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng dệt may và da giày sang các nước trong TPP, chiếm 31% tổng giá trị. Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Mỹ và thứ ba vào thị trường Nhật Bản.

Sản lượng ngành dệt may sẽ tăng 21% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đạt kỷ lục 90% vào năm 2020, dựa trên dự báo của World Bank. Cũng theo dự báo của tổ chức này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành có thể ở mức 41%, tương ứng với giá trị xuất khẩu tăng thêm 11,5 tỷ USD đến năm 2020.

Tuy không được hưởng thuế suất 0%, một số DN dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các DN nước ngoài để gia công. Ngay cả khi TPP có hiệu lực và các DN dệt may đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng, thì mức độ ảnh hưởng của nhóm DN đang niêm yết này lên TTCK là không đáng kể. Vốn hóa của các cổ phiếu dệt may khoảng 4.281 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,36% tổng vốn hóa thị trường tính đến hết tháng 6/2015.

Khối lượng giao dịch bình quân của các mã cổ phiếu ngành dệt may khoảng 52,7 tỷ đồng/ngày, khá thấp so với khối lượng giao dịch bình quân của sàn HOSE (1.844 tỷ đồng/ngày) và HNX (754 tỷ đồng/ngày). Các DN ngành dệt may đang niêm yết có triển vọng được hưởng lợi từ TPP gồm: TCM, GMC, TNG.

Ngành thủy sản, tại thị trường Nhật Bản, các DN xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi thuế nhập khẩu được giảm về 0% so với mức trung bình 6,4-7,2% hiện tại. Tại thị trường Mỹ, TPP sẽ không tác động lớn đến các DN thủy sản của Việt Nam, do các DN vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá rất cao. Với mức thuế 0,97 USD/kg, các DN cá tra của Việt Nam hầu như không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ do không đủ bù đắp các chi phí nhiên liệu, nhân công… Các DN thủy sản niêm yết được hưởng lợi mà NĐT cần quan tâm gồm: FMC, VHC.

Ngành gỗ, Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 6 trên thế giới và đứng đầu ASEAN. Các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (37%), Nhật Bản (16%), Trung Quốc (12%), châu Âu (12%). Năm 2014, xuất khẩu gỗ đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng tại 2 thị trường Mỹ và Nhật Bản lần lượt là 12,5% và 18%.

Giống như các DN dệt may, thách thức lớn đối với các DN gỗ là nguồn nguyên liệu, khi hơn 80% nguyên liệu đều đang phải nhập khẩu, trong khi đó yêu cầu để được ưu đãi về thuế là tỷ lệ nội địa hóa phải đáp ứng từ 55% tổng giá trị trở lên; DN chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ nước ngoài. Các DN ngành gỗ niêm yết NĐT nên quan tâm là GDT, TTF.

Khu công nghiệp, xu hướng dịch chuyển nguồn vốn FDI để đón đầu các hiệp định thương mại từ các nước trong khu vực vào Việt Nam dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Các khu công nghiệp nằm gần cảng, sân bay, cơ sở hạ tầng phát triển, chính sách ưu đãi… sẽ thu hút được các NĐT nước ngoài. Trong số 5 DN khu công nghiệp đang niêm yết là: KBC, ITA, LHG, SZL và D2D thì NĐT nên quan tâm đến KBC và LHG.

Phân phối ô tô, kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản và Mỹ chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô của Việt Nam. Năm 2014, lượng xe nhập khẩu từ 2 thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh, lần lượt là 140% từ Mỹ và 90% từ Nhật Bản. DN niêm yết mà NĐT nên quan tâm là SVC.

Ngành cảng biển, logistic sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao giữa khu vực châu Á và Bắc Mỹ khi TPP được áp dụng. Các DN niêm yết NĐT nên lưu ý là VSC, CLL.

Các nhóm ngành có thể gặp khó

Trong khi nhiều nhóm ngành được hưởng lợi từ TPP thì sẽ có khá nhiều nhóm ngành có thể sẽ gặp khó khăn như: mía đường, dược phẩm, nông sản…

Cụ thể, việc tham gia TPP cũng như các hiệp định thương mại khác sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa ngành mía đường, gỡ bỏ các hạn ngạch nhập khẩu. Ngành mía đường trong nước dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong các nước tham gia TPP có Australia, nước xuất khẩu mía đường lớn thứ ba thế giới, với chi phí sản xuất khoảng 20 USD/tấn, trong khi ở Việt Nam khoảng 55 - 60 USD/tấn.

Với ngành dược, việc tham gia hiệp định TPP và các hiệp định thương mại khác sẽ làm tăng doanh số nhập khẩu thuốc của Việt Nam. Theo Hiệp định TPP, thuế suất nhập khẩu sẽ giảm từ mức trung bình hiện nay khoảng 2,5% về 0%, làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường dược phẩm trong nước. Đồng thời, TPP kéo dài thời gian bảo hộ đối với thuốc bản quyền, từ đó hạn chế khả năng tiếp cận và sản xuất các loại thuốc mới của DN nội.

Với ngành thức ăn chăn nuôi, giá thành thức ăn chăn nuôi hiện của Việt Nam cao hơn khoảng 10% so với các nước trong khu vực. Áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi thuế nhập khẩu thịt bò, gà, lợn vào Việt Nam sẽ giảm từ 5% xuống 0%, đặc biệt là cạnh tranh các sản phẩm từ Australia và Mỹ do đây những nước có chi phí sản xuất thấp, năng suất cao.

CTCK BIDV
“TPP sẽ thu hút dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam”
TPP với thị trường chứng khoán: Không chỉ toàn màu hồng ảnh 1

 Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE

Tác động từ TPP lên thị trường vài phiên qua chủ yếu là hiệu ứng tâm lý. Dài hạn hơn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi từ hiệp định, từ đó đương nhiên TTCK cũng phát triển theo. NĐT nước ngoài thường là những NĐT có kinh nghiệm, kiên nhẫn đầu tư, do vậy, nếu có triển vọng tốt, họ sẽ đầu tư vào Việt Nam. 

Trong quý III, khối ngoại bán ròng 665 tỷ đồng. Hiện tượng bán ròng xuất hiện từ tháng 8-9, nhưng chênh lệch không quá lớn. Nguyên nhân chủ yếu là trong tháng 8, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, với thông tin TPP, hy vọng sẽ có sự cân bằng giữa mua và bán của khối ngoại từ nay đến cuối năm.

Trong quý III, HOSE đón 10 đoàn NĐT ngoại lớn đến tham quan tìm hiểu về TTCK Việt Nam, tăng mạnh so với các quý trước (6 - 7 đoàn), chủ yếu là các NĐT đến từ châu Á như Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc… Qua đó cho thấy, NĐT nước ngoài vẫn rất quan tâm đến TTCK Việt Nam.

“Sự háo hức của NĐT đối với TPP có thể qua nhanh”

TPP với thị trường chứng khoán: Không chỉ toàn màu hồng ảnh 2

Huy Nam Chuyên gia chứng khoán  

Sự háo hức của NĐT đối với TPP có thể qua nhanh, bởi phải chờ ít nhất đến đầu năm 2016 mới rõ ràng, bởi TPP còn các thủ tục cần thiết khác. Sự công bố chính thức về nội dung hiệp định cũng rất quan trọng. Do vậy, ban đầu, NĐT có thể hồ hởi, giúp TTCK bật lên, nhưng về lâu dài, tác động của TPP lên dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam vẫn là ẩn số.

Đối với dòng tiền khối ngoại, tác động trực tiếp của TPP là dòng vốn FDI sẽ tăng lên. Hiện tỷ trọng xuất khẩu từ các DN FDI chiếm tới hơn 60 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, nếu DN nội không tranh thủ nâng cao trình độ sản xuất thì rất có khả năng, đối tượng được hưởng lợi chủ yếu là các DN FDI.

Một số DN có khả năng hưởng lợi chủ yếu nằm trong ngành dệt may, nhưng nếu xem xét về hiệu quả kinh doanh, các chỉ số tài chính so với thị giá cổ phiếu hiện nay thì độ hấp dẫn không nhiều. Số lượng niêm yết của các DN trong ngành cũng ít.

Còn các DN chế biến thủy sản, cần chú ý vấn đề chất lượng, phẩm chất của hàng hóa xuất đi các nước, nhất là Mỹ, Nhật Bản. Hiện cơ cấu hàng hóa xuất của các doanh nghiệp Việt chủ yếu là xuất nguyên liệu nên giá trị gia tăng không cao. Do vậy, DN trong nước muốn hưởng lợi nhiều thì phải gia tăng mặt hàng có giá trị gia tăng cao. 

“Việt nam sẽ tăng tốc trong thập kỷ tới nhờ TPP”

CTCK TP. HCM (HSC)

Quá trình thông qua TPP tại cơ quan lập pháp các nước sẽ mất ít nhất nửa năm, sau đó TPP sẽ được cơ quan lập pháp các nước thảo luận và bỏ phiếu. Thời gian thực hiện sẽ tùy thuộc từng nước, nhưng nhiều khả năng quá trình này sẽ mất 6 - 9 tháng. Theo đó, tác động thực sự từ việc giảm thuế hoặc tăng hạn ngạch có lẽ sẽ phải đợi đến giờ này năm sau.

Trên thực tế, trước khi một loại thuế được cắt giảm thì điều này đã có ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp và mức độ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng tốc kể từ bây giờ.

Là quốc gia kém phát triển nhất trong một hiệp định mà phần lớn là các nước phát triển bao gồm 2 trong số các đối tác lớn nhất của Việt Nam và gần như không bao gồm các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, Việt Nam sẽ tăng tốc đáng kể trong thập kỷ tới nhờ TPP. Điều này nhờ: thứ nhất, vốn đầu tư trực tiếp tăng, các nước Bắc Á và ASEAN có thể xem xét chuyển một phần đáng kể chuỗi cung ứng ngành dọc ở một số ngành nhất định để hưởng lợi từ việc giảm thuế và tiếp cận thị trường tốt hơn; thứ hai, tốc độ cải cách được đẩy nhanh, tốc độ cổ phần hóa cũng sẽ được đẩy nhanh hơn và tỷ trọng của DNNN sẽ giảm; thứ ba, có thêm vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng – nhu cầu sẽ tăng do vốn ngoại đổ vào Việt Nam làm tăng nhu cầu đối với dịch vụ tiện ích; nước; đường xá…

Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này đã được mở rộng sau khi có quy định mới về hình thức đối tác công tư PPP. Và thứ tư, việc có thêm các cơ sở sản xuất tại Việt Nam sẽ làm tăng hàng hóa giao thương của Việt Nam, theo đó tăng nhập khẩu cũng như xuất khẩu.

Quy định nước xuất xứ sẽ buộc Việt Nam phải tăng tỷ lệ nguyên liệu đầu vào nội địa để được hưởng ưu đãi giảm thuế. Điều này có thể sẽ tạo một số khó khăn, nhưng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển theo chiều sâu của ngành sản xuất của Việt Nam. TPP sẽ tạo ra động lực tăng tỷ lệ nguyên liệu và phụ tùng đầu vào nội địa nhanh hơn nhiều so với khi không có TPP. Có thể nói, đây sẽ là một tác động lớn từ TPP trong thập kỷ tới.

Tin bài liên quan