Tín hiệu phục hồi chưa rõ

Tín hiệu phục hồi chưa rõ

(ĐTCK) Xu hướng tăng điểm của VN-Index đã phục hồi. Tuy nhiên, các cổ phiếu có vốn hóa lớn và thanh khoản thị trường không ủng hộ tín hiệu tích cực này của VN-Index.

TTCK đã có một tuần giao dịch không thực sự tích cực sau kỳ nghỉ lễ dài. Ngay trong phiên đầu tiên trở lại, VN-Index giảm tới hơn 17 điểm do những tin đồn không xác thực về tình hình Biển Đông.

Trong những phiên sau đó, VN-Index phục hồi phần nào nhờ khối ngoại liên tục mua ròng với giá trị giao dịch lớn. Tuy nhiên, việc điều giá xăng tăng thêm 1.950 đồng/lít và điều chỉnh tỷ giá USD/VND thêm 1% khiến xu hướng phục hồi của thị trường chưa thực sự rõ ràng. Tính trong cả tuần, VN-Index giảm 7,7 điểm (tương đương 1,4%) và khối ngoại mua ròng hơn 500 tỷ đồng.

Thông tin tăng giá xăng trong tuần qua được thị trường tiếp nhận tương đối bình tĩnh, việc điều chỉnh đã được dự kiến từ trong kỳ nghỉ lễ, do giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã tăng trước đó và việc tăng thuế bảo vệ môi trường đã được quyết định từ đầu năm. Việc giá xăng tăng 1.950 đồng/lít được coi là thấp hơn kỳ vọng do mức tăng theo tính toán có thể lên đến 3.000-3.500 đồng/lít.

Hơn nữa, việc không tăng giá dầu diesel và dầu hỏa giảm sẽ khiến tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này đến chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải (trừ đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi), không bị ảnh hưởng đáng kể. Như vậy, việc điều chỉnh giá xăng lần này dù khá lớn, nhưng tác động đến CPI dự kiến sẽ ít hơn đợt điều chỉnh tăng giá xăng lần trước.

Về việc điều chỉnh tỷ giá, chúng tôi đánh giá việc điều chỉnh là kịp thời và vừa đủ. Ngay trước đợt điều chỉnh, tỷ giá USD quy đổi từ các ngoại tệ mạnh khác (EUR, JPY) lên đến trên 21.850 đồng/USD, chỉ còn cách trần tỷ giá mới vài chục đồng và gây lo ngại rằng việc điều chỉnh 1% sẽ không đủ giải tỏa áp lực tỷ giá.

Tuy nhiên, ngay sau khi tỷ giá được điều chỉnh, tỷ giá chính thức của các ngân hàng chỉ vào khoảng 21.750 đồng/USD và giảm nhẹ vào buổi chiều. Tỷ giá quy đổi cũng chỉ tương đương tỷ giá chính thức, cho thấy doanh nghiệp và người dân có nhu cầu chính đáng có thể tiếp cận được USD với tỷ giá niêm yết của các ngân hàng.

Xu hướng tăng giá của đồng USD so với các ngoại tệ mạnh khác đã yếu đi trên thị trường thế giới, cộng với việc quý II và quý III hàng năm thường không phải thời điểm căng thẳng ngoại tệ nên dự kiến sẽ không có căng thẳng tỷ giá đáng kể trong vòng 4-6 tháng tới.

Về diễn biến thị trường, dù khối ngoại đẩy mạnh mua vào, nhưng niềm tin của nhà đầu tư trong nước vẫn chưa thực sự phục hồi sau phiên giảm điểm mạnh đầu tuần. VN-Index đã vượt ngưỡng kháng cự yếu 554 điểm vào phiên cuối tuần.

Về kỹ thuật, điều này cho thấy, xu hướng tăng điểm của VN-Index đã phục hồi. Tuy nhiên, các cổ phiếu có vốn hóa lớn và thanh khoản thị trường không ủng hộ tín hiệu tích cực này của VN-Index.

Như vậy, nhiều khả năng, xu hướng tăng giá này sẽ chỉ có sự tham gia của các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ. Như vậy, chiến lược đầu tư từ dưới lên (bottom up) với danh mục đa dạng các cổ phiếu vốn hóa trung bình có thể hiệu quả nhất với nhà đầu tư ngắn hạn vào thời điểm hiện tại.

Tin bài liên quan