Sau chứng khoán, kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngành điện

Sau chứng khoán, kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngành điện

(ĐTCK) Kể từ sau lần thứ nhất không thể bứt phá vùng 610 điểm với một lượng lớn tiền được đổ vào và tương ứng cũng là một lượng tiền lớn được rút ra, dường như dòng tiền này chưa quay trở lại, mà đang đứng ngoài quan sát cuộc chơi. 

Cho dù VN-Index đã tiếp cận trở lại mốc đỉnh cũ, nhưng nó mang quá nhiều dấu ấn của một nhóm cổ phiếu nên chưa thể kích hoạt lại dòng tiền lớn đang đứng ngoài của các NĐT tổ chức. Hơn nữa, sự tăng vọt về giá của nhóm cổ phiếu này khiến NĐT lo ngại nhiều hơn và áp lực bán xuất hiện cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dẫu sao, việc VN-Index giữ được mốc 600 điểm đã là một thành công rất đáng quan tâm. Mốc điểm này cũng đang dần hình thành một ngưỡng quan trọng, có thể là kháng cự, nhưng cũng có thể là hỗ trợ của thị trường trong giai đoạn tới. Và không chừng, mốc 600 điểm của VN-Index sẽ là câu chuyện của năm 2014, giống như mốc 500 điểm của năm 2013.

Tuy nhiên, câu chuyện tuần qua cần nhắc đến hơn cả là sự sụt giảm mạnh từ phía lực bán, đặc biệt mỗi khi thị trường giảm sâu, lực bán gần như biến mất và thị trường trở nên trầm lắng. Thanh khoản của thị trường giảm rất mạnh, với sàn HOSE đạt 86,4 triệu đơn vị/phiên, giảm 31% so với tuần trước đó và chưa bằng một nửa so với 2 tuần trước đó. Còn sàn HNX đạt 55,4 triệu đơn vị/phiên, có mức giảm tương tự sàn HOSE. Điều đó cho thấy, nhiều NĐT không còn muốn bán hoặc không phải chịu áp lực quá lớn đến mức phải bán ra cổ phiếu. Hơn nữa, ở rất nhiều cổ phiếu, chỉ sau một phiên giảm lại là 2 - 3 phiên tăng nên NĐT muốn sở hữu lại hầu như đều phải mua với giá cao hơn, cũng là nguyên nhân khiến NĐT kiên trì giữ hàng. Trong khi đó, các cổ phiếu luân phiên tăng giá khiến một phần dòng tiền đứng ngoài chờ đợi sự điều chỉnh bắt đầu tăng mức giá đặt mua. Trong một xu hướng được cho là chưa thực sự tích cực và có thể điều chỉnh giảm điểm, hiện tượng tiết cung như vậy là điều đáng mừng.

Diễn biến của tuần qua vẫn có những vết “gợn” khi khối NĐT nước ngoài có xu hướng giao dịch mạnh và bất ngờ. Nhiều mã cổ phiếu như DPM, TRC, DPR... bị khối này bán ra với số lượng lớn là câu chuyện đáng quan tâm. Liệu có phải nguyên nhân đến từ phía thị trường thế giới, khi mà tuần qua, các thị trường này đều sụt giảm. Thông tin từ Ukraine hay tình hình kinh tế Trung Quốc vẫn khiến nhiều NĐT lo ngại. Cũng có ý kiến cho rằng, việc cổ phiếu DPM bị bán mạnh do áp lực tăng giá khí đầu vào sắp tới, trong khi giá bán đầu ra đạng bị cạnh trạnh khốc liệt bởi các công ty khác khiến biên lợi nhuận giảm sút. Còn với TRC, DPR... là câu chuyện về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc giảm sút, khiến sản lượng tiêu thụ sẽ giảm. Nhìn chung, tất cả đều có nguyên nhân và lúc này, NĐT cần phải có sự phân tích kỹ càng hơn là lao vào bắt đáy những cổ phiếu như vậy. Bởi ngoài những yếu tố bất lợi, vẫn có những thông tin tốt sẽ giúp giá cổ phiếu tăng như thông tin về tăng giá điện, nới “room” hay lợi nhuận quý I/2014 khả quan.

Bước sang tuần mới, dự báo, thị trường sẽ có xu hướng tương đối giống tuần vừa qua. Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán là điểm sáng lớn nhất, tuần này, nhóm cổ phiếu nào sẽ thay thế? Chúng tôi cho rằng, cổ phiếu sẽ tăng giá nhờ những thông tin liên quan đến lợi nhuận, ngoài nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể có thêm nhóm cổ phiếu điện. Ngược lại, vẫn có những cổ phiếu có yếu tố bất lợi khiến cho áp lực giảm giá xuất hiện như các mã PGD, PGS, CNG... Tuy nhiên, điều mà chúng tôi vẫn muốn nhấn mạnh là sự hồi phục của nhóm cổ phiếu “nóng”, thị giá thấp, mà nền tảng cơ bản yếu là cơ hội để NĐT cơ cấu danh mục sang các cổ phiếu có nền tảng tốt. Bởi lẽ, đó là nhóm cổ phiếu có yếu tố rủi ro cao nhất nếu như thị trường trở nên xấu đi, trong khi thị trường chinh phục ngưỡng cao hơn thì tất yếu dòng tiền sẽ dồn vào nhóm cổ phiếu có nền tảng tốt.

Tin bài liên quan